Cổ phiếu bảo hiểm hồi hộp chờ “sóng”
Thị trường bảo hiểm sẽ có những thay đổi theo hướng phát triển các kênh bán hàng mới. Động thái này được kỳ vọng có thể tạo sóng cho nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm.
Xu hướng trên thị trường bảo hiểm cho thấy, kênh đại lý đang có xu hướng bão hòa, đòi hỏi các công ty bảo hiểm phải phát triển thêm các kênh phân phối khác.

Theo bà Tina Nguyễn, Phó tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, hiện tại, kênh bán bảo hiểm qua đại lý vẫn giữ vai trò chủ chốt, nhưng các công ty bảo hiểm nhân thọ đều đang chú ý nhiều hơn các kênh bán hàng khác, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Lý giải về sự thu hẹp của kênh bán bảo hiểm qua đại lý, bà Tina Nguyễn cho biết, với bảo hiểm nhân thọ, thường các hợp đồng khai thác mới được đến từ các đại lý mới. Hệ quả của việc này là sau một thời gian, tiềm năng có thể khai thác thêm sẽ dần bị bão hòa và nếu tiếp tục duy trì như vậy, thị trường sẽ không thể tăng trưởng được nữa.

Diễn biến cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết thời gian gần đây cũng có những động thái khá bấp bênh. Đại gia bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ đầu tháng 5 đến nay đã tuột từ mốc khoảng 70.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn quanh 50.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu VNR của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) giảm từ mốc trên 14.000 đồng/cổ phiếu xuống trên 12.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu PGI của Công ty cổ phần Bảo hiểm Xăng dầu (Pjico) giảm từ mốc 10.000 đồng/cổ phiếu xuống hơn 8.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BIC của Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng giảm từ trên 10.000 đồng/cổ phiếu xuống hơn 8.000 đồng/cổ phiếu trong hơn 1 tháng qua….

Tuy nhiên, giá một số cổ phiếu bảo hiểm khác lại có diễn biến khá ổn định, như giá cổ phiếu PTI của Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện vẫn giữ quanh mốc 12.500 đồng/cổ phiếu trong vòng hơn 1 tháng qua; giá cổ phiếu PVI của Công ty cổ phần PVI tuy cũng giảm, nhưng mức giảm khá nhẹ, từ 22.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 19.000 đồng/cổ phiếu…

Về xu hướng thay đổi cơ cấu kênh phân phối, các doanh nghiệp bảo hiểm đã sử dụng mạng lưới phân phối qua ngân hàng (bancassurance) hoặc cung cấp sản phẩm qua môi giới bảo hiểm… Tất cả các hình thức phân phối sản phẩm này đều đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải đầu tư chi phí để đào tạo nguồn nhân lực, bên cạnh đó còn phải chi một khoản hoa hồng khá lớn cho các đại lý hoặc môi giới bảo hiểm.

Ngoài ra, một kênh phân phối khá mới mẻ đang được các công ty khai thác là bán bảo hiểm trực tuyến. Kênh phân phối này có thể giúp tiết kiệm được hoàn toàn các chi phí cho công ty và mang lại sự tiện lợi cho khách hàng.

Việc khai thác bảo hiểm qua hệ thống công nghệ thông tin được các công ty bảo hiểm phát triển với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, Công ty Bảo hiểm Liberty đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống trung tâm tiếp nhận thông tin (Call Center). Động thái này cho thấy tầm nhìn chiến lược của Liberty trong việc tạo sự khác biệt về dịch vụ khách hàng trên thị trường bảo hiểm hiện nay.

Trong khi đó, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIC lại triển khai kênh bán bảo hiểm qua ATM. Theo đó, BIC đã triển khai bán thành công các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng cá nhân như: bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, bảo hiểm nhà chung cư cho hơn 2 triệu khách hàng thẻ ATM của BIDV. BIC đang xúc tiến mở rộng mạng lưới ngân hàng liên kết ra ngoài hệ thống BIDV, đồng thời dự định đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm cung cấp qua kênh ATM để khách hàng có thêm lựa chọn.