Hello and welcome to our community! Is this your first visit?
Kết quả 1 đến 2 của 2
  1. #1
    Lưu ý khi đầu tư vào CTD, DIG, NTL, GMX, PDN
    (Vietstock) - CTD, DIG và NTL được nhìn nhận kết quả kinh doanh thời gian tới khá thận trọng và nhà đầu tư nên đầu tư dài hạn khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc. Còn GMX và PDN được lưu ý về tính thanh khoản khi lượng cổ phiếu lưu hành bên ngoài khá ít ỏi.
    CTD: Nên đầu tư giá trị
    Theo báo cáo phát hành ngày 01/11, CTCP Chứng khoán Phú Hưng (HNX: PHS) nhận xét những năm gần đây, CTCP Xây dựng Cotec (HOSE: CTD) duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Theo đó, hệ số CARG của doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 26% và 18% trong giai đoạn 2007 - 2010. EPS được duy trì nhiều năm ở mức trên 7,500 đồng.
    Trong quý 3/2011, CTD đạt 1,085.27 tỷ đồng doanh thu, tăng 27.78%, thực hiện được 44.05 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 44.32% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm nhanh về lợi nhuận là do công ty đã không còn doanh thu tài chính bất thường như năm 2010. Tính hết tháng 9/2011, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 146.16 tỷ đồng, giảm 22.74% so với cùng kỳ năm 2010.
    Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn 9 tháng qua, đặc biệt là ngành xây dựng và bất động sản, CTD vẫn ký được nhiều hợp đồng thầu xây dựng của các công trình lớn với tổng trị giá trên 6,000 tỷ đồng, trong đó phải kể đến hợp đồng thi công dự án Hồ Tràm Strip với giá trị giai đoạn 1 là 3,200 tỷ đồng. Ngoài ra, thị phần của CTD ngày càng mở rộng cả miền Bắc, khi liên tiếp trúng thầu nhiều công trình có giá trị lớn như Indochina Plaza– Hà Nội (trị giá 450 tỷ đồng), khu chung cư cao cấp Rừng Cọ - Ecopark (586 tỷ đồng)…
    Năm 2011, PHS dự báo doanh thu của CTD duy trì tốc độ tăng trưởng 36% so với năm 2010 và có thể đạt 4,500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sẽ giảm do chi phí đầu vào tăng cao, không còn các khoản lợi nhuận tài chính bất thường như năm 2010 và phải chịu thuế cao hơn năm trước. Điều đó sẽ làm lợi nhuận biên tiếp tục giảm xuống 5% và lợi nhuận sau thuế giảm khoảng 7% so với năm 2010, duy trì ở mức 223 tỷ đồng.
    Dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh hiện tại của CTD, với EPS 2011 duy trì khoảng 7,270 đồng, PHS khuyến nghị nên đầu tư giá trị với giá giao dịch hiện tại 26,700 đồng - đây là mức giá thấp nhất của CTD – P/E ở thấp 3.6.
    Mức định giá của PHS đối với cổ phiếu CTD là 33,600 đồng.
    DIG: Vẫn khó hoàn thành kế hoạch đã được điều chỉnh
    Trong một báo cáo khác, PHS nhận định không mấy khả quan về tình hình hoạt động kinh doanh của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG). Trong 6 tháng đầu năm DIG đạt 22.48 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 84% so với cùng kỳ 2010 do tất cả các chi phí đều tăng mạnh so với năm trước.
    Vì thế, DIG đã điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2011 với doanh thu 900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ việc hợp tác chuyển nhượng dự án Nam Vĩnh Yên với tổng giá trị hơn 700 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án chung cư Lake side đã được hoàn thiện, chào bán từ năm 2010 và đang thực hiện chào bán các căn hộ còn lại với doanh thu hơn 200 tỷ đồng. Hai dự án đóng góp doanh thu của DIG trong năm 2012 là dự án khu du lịch sinh thái Đại Phước và dự án Đồi An Sơn. Tập đoàn đã hoàn thành việc san lấp, làm cơ sở hạ tầng và dự kiến cuối năm 2011 bắt đầu xây dựng thô.
    Tuy nhiên, việc hoàn thành theo kế hoạch được điều chỉnh của công ty vẫn chưa khả quan khi các chi phí tăng cao.
    Với kết quả trên, EPS cuối năm 2011 của DIG được kỳ vọng ở mức 2,580 đồng. Với mức giá đang được giao dịch vào ngày 20/10 là 15,000 đồng/cp, thì DIG đang có hệ số P/E vào khoảng 5.8x. PHS kỳ vọng mức giá mục tiêu của DIG vào cuối năm 2011 sẽ đạt 15,500 đồng/cp, tương ứng với P/E là 6x.
    PHS dự phóng vốn chủ sở hữu của DIG vào cuối năm 2011 sẽ đạt 2,560 tỷ đồng và giữ nguyên giá trị tài sản vô hình đợt cuối quý 2/2011 là 9.8 tỷ đồng thì giá trị sổ sách của DIG vào cuối năm sẽ đạt giá trị 25,500 đồng/cp.
    NTL: Hoạt động cầm chừng có thể kéo dài
    Theo CTCP Chứng khoán FPT (OTC: FPTS), doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm 2011 của CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) ghi nhận khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm 2010. Doanh thu 6 tháng 2011 đạt 319 tỷ đồng, giảm 35.6% so với cùng kỳ năm 2010 và chỉ đạt 16.8% so với kế hoạch doanh thu cả năm là 1,900 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm 2011 lần lượt chỉ đạt 26.8% và 16.7% trong khi bình quân các năm tương ứng là 44.5% và 31.5%.
    Thời gian này, NTL gần như không có hoạt động kinh doanh bất động sản gì mang lại doanh thu lớn, chủ yếu là hoạt động xây lắp, là lĩnh vực có tỷ trọng lớn nhưng lãi gộp thấp. Ngoài ra do sự suy giảm của thị trường bất động sản, trong khi chi phí nguyên vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục tăng mạnh, biên lợi nhuận của tất cả các lĩnh vực hoạt động đều giảm đi so với trung bình các năm.
    Theo đó, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm 2011 có khả năng không hoàn thành, dự báo doanh thu chỉ đạt 50% và kế hoạch lợi nhuận dự kiến còn thấp hơn. Vì vậy việc điều chỉnh kế hoạch năm 2011 là không thể tránh khỏi.
    Hiện cơ cấu vốn của NTL khá an toàn, tỷ lệ nợ trên vốn tại ngày 30/06/2011 là 1.08 lần, trong đó tỷ lệ tổng nợ vay chịu lãi trên vốn chủ sở hữu là 0.02 lần. Nợ ngắn hạn chiếm 49% tổng nguồn vốn nhưng đã có đến 2/3 là người mua trả tiền trước trị giá khoảng 622 tỷ đồng. Vay ngắn hạn chịu lãi chỉ chiếm 1% tổng nguồn vốn. Với số dư tiền mặt khá lớn, NTL không gặp vấn đề gì về khả năng thanh toán, hệ số khả năng thanh toán hiện hành tại ngày 30/06/2011 đạt 1.97 lần, cao hơn mức trung bình các năm là 1.69 lần.
    Do lợi nhuận nửa đầu năm 2011 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2010 nên lợi nhuận lũy kế 4 quý tính đến hết quý 2/2011 thấp hơn lợi nhuận cả năm 2010. ROA và ROE cũng giảm đáng kể từ mức trung bình các năm là 29.4% và 72.7% xuống còn 14.2% và 31.4% tương ứng. Dự báo tình hình sẽ vẫn tiếp tục khó khăn cho đến hết năm 2011 và lợi nhuận cả năm 2011 cũng sẽ thấp hơn nhiều lợi nhuận năm 2010 nên tỷ lệ ROA và ROE cuối năm 2011 cũng sẽ không được cải thiện đáng kể.
    Theo đánh giá của FPTS, tình hình kinh tế và thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục khó khăn trong 2-3 năm tới, khả năng bán được nhà đất sẽ không dễ dàng, đặc biệt mức giá 50 triệu đồng/m2 như trên vẫn là mức giá khá cao so với mặt bằng chung. Do vậy, việc hoạt động cầm chừng như hiện tại có thể kéo dài lâu hơn dự kiến của công ty.
    GMX: Đầu tư dài hạn với giá mục tiêu 14,500 đồng
    Cũng theo FPTS, hiện cổ phiếu GMX của CTCP Gạch ngói Gốm Xây dựng Mỹ Xuân (HNX: GMX) đang nằm trong vùng giá thấp hơn 28% so với giá chào sàn. Hiện GMX vẫn chưa cho tín hiệu tích cực về khả năng tăng giá dài hạn. Xét về cơ bản, đây là một cổ phiếu tốt, có tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, xét về cơ cấu cổ đông thì GMX kém thanh khoản khi chỉ có khoảng 3.2 triệu cổ phiếu lưu hành bên ngoài, tương đương 61%, còn lại do HĐQT và Ban điều hành nắm giữ 39%. Vì vậy nhà đầu tư nên quan sát, cân nhắc khi giải ngân. Đây là cổ phiếu phù hợp cho trường phái đầu tư dài hạn.
    9 tháng đầu năm 2011, doanh thu đạt 91.95 tỷ đồng, bằng 75.76% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2010, doanh thu tăng 20%, lãi sau thuế giảm 4% do chi phí lãi vay cao (9 tháng đầu năm chi phí lãi vay đã lên hơn 599 triệu đồng).
    GMX sở hữu nguồn nguyên liệu lớn và đạt chất lượng cao tại Mỹ Xuân - Bà Rịa Vũng Tàu với trữ lượng 2 triệu m3. Đồng thời công ty còn hợp tác đầu tư khai thác mỏ sét và sản xuất gạch ngói cao cấp tại huyện Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu và huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang với tổng trữ lượng các mỏ nguyên liệu khoảng trên 6 triệu m3. Công suất hiện tại đạt 62-65 triệu sản phẩm (viên quy tiêu chuẩn)/năm.
    FPTS dự phóng doanh thu toàn công ty năm 2011 sẽ đạt 121 tỷ đồng, tương đương 100% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 98% kế hoạch, EPS ước tính 3,275 đồng.
    Kết quả định giá theo phương pháp P/E, P/B và EV/Ebitda cho thấy mức giá GMX lần lượt đạt 11,659 đồng, 12,406 đồng và 18,405 đồng. Theo đó FPTS định giá GMX tại thời điểm này ước đạt 14,500 đồng với mức P/E và P/B tương ứng đạt 3.56x và 0.9x; EPS 2011E đạt 3,275 đồng, book value/cp đạt mức 13,784 đồng.
    FPTS còn cho biết hiện GMX đang tập trung mở rộng khu mỏ Mỹ Xuân đồng thời tập trung vốn để xây dựng nhà máy tại Tiền Giang. Vì vậy dự tính bắt đầu từ giữa năm 2012 trở đi mới có sự tăng trưởng cao trong hợp đồng kinh doanh của GMX. Vì lẽ đó kỳ vọng mức giá như vậy là phù hợp với thị trường hiện nay đến cuối năm.
    PDN: Mức giá tiềm năng 35,500 đồng
    CTCP Chứng khoán Bảo Việt (HNX: BVS) cho rằng CTCP Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN) đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân 19% và 15% cho giai đoạn 2011 - 2015. Ước tính lợi nhuận sau thuế các năm 2011 và 2012 lần lượt là 35 tỷ (tăng 8% so với 2010) và 44 tỷ (tăng 25% so với 2011). Bởi PDN có lợi thế vị trí gần các khu công nghiệp lớn được công ty mẹ (Sonadezi) góp vốn đầu tư phát triển bao gồm Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata và Gò Dầu.
    Ngoài ra, trong quý 4/2011, PDN sẽ đưa vào hoạt động cảng container được chuyển đổi từ cảng hàng tổng hợp, với công suất tối đa đạt 200,000 Teu/năm. Công ty cũng đang tích cực mở rộng diện tích bến bãi tại cảng Long Bình Tân và Gò Dầu. Đặc biệt, dự án boxit ở Tân Rai (Lâm Đồng) sẽ sử dụng cảng Gò Dầu để phục vụ cho việc xuất khẩu alumin hứa hẹn mang lại nguồn hàng rời ổn định cho PDN trong 3 – 5 năm tiếp theo. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng 2010 lần lượt là 51% và 37%.
    Tuy nhiên, BVS cũng lưu ý, bài toán vận chuyển boxit liên quan đến tải trọng xe vận chuyển và khả năng chịu lực trên các tuyến đường mà đoàn xe đi qua đang là vấn đề gây tranh cãi giữa Vinacomin và các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng. Do đó, việc sử dụng các cảng Gò Dầu để xuất khẩu boxit nhôm có thể bị chậm trễ. Ngoài ra, việc KCN Biên Hòa 1 đã được chính phủ phê duyệt chuyển đổi thành khu đô thị cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn khách hàng trong tương lai. Tuy nhiên, rủi ro này không quá đáng ngại trong ngắn và trung hạn.
    Mặt bằng giá cước thấp cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Hiện nay, một số cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép – Thị Vải đã hạ giá dịch vụ xuống chỉ còn 32USD/Teu chuẩn 20ft và chỉ 50USD cho container 40ft. So với chi phí tối thiểu 65USD/Teu thì các cảng này đang lỗ. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn vị cảng trung chuyển như PDN.
    Thêm vào đó, cơ cấu cổ đông cũng là một điểm đáng lưu ý khi các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và cán bộ nhân viên nắm giữ cổ phần khá lớn, ước tính lượng cổ phần có thể giao dịch tự do chỉ dưới 10%, nên PDN có thể gặp vấn đề về thanh khoản.
    Với mức giá chào sàn 29,000 đồng, PDN sẽ giao dịch tại mức P/E kỳ vọng 2011 là 6.9x. Đây là mức không rẻ, nếu so với các doanh nghiệp cùng ngành với mức P/E khoảng 4.0x. BVS tin rằng mức giá hợp lý 35,500 đồng sẽ phản ánh được tiềm năng của doanh nghiệp này.
    Minh An



    Xem bài viết: Lưu ý khi đầu tư vào CTD, DIG, NTL, GMX, PDN

  2. #2
    Guest
    NTL vẫn good nhất, họ có nguồn tiền dồi dạo, chuẩn bị chốt cổ tức bằng TM 25%. NTL number 1 so với các chú còn lại.


    Xem bài viết: Lưu ý khi đầu tư vào CTD, DIG, NTL, GMX, PDN


 

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •