Chúng ta đã biết nhiều chỉ số nhưng có thể ta chưa có cái nhìn về chỉ số một cách có hệ thống. Loạt bài "Cơ bản về chỉ số" sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về các loại chỉ số và sử dụng chúng hữu hiệu hơn.

DJIA - Dow Jones, chỉ số chứng khoán đầu tiên.

Thuở ban đầu của thị trường chứng khoán trên thế giới, chỉ số chưa ra đời. Trong hàng trăm năm tiếp sau đó, con người ta vẫn còn lúng túng và khắc khoải tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Thị trường chứng khoán hôm nay thế nào rồi?”. Mãi đến năm 1896, chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA) được xây dựng và công bố bởi Tạp chí The Wall Street Journal và Công ty Dow Jones & Co. Chỉ số này vẫn thường được biết đến với tên gọi là chỉ số Dow Jones để ghi nhớ tên hai nhà sáng lập là Charles Dow và nhà thống kê Edward Jones. Nó được xem là chỉ số đầu tiên trên thế giới. Và cũng kể từ ngày đó, con người ta mới có thể nói cho nhau biết thị trường chứng khoán thay đổi như thế nào.

Chỉ số DJIA là chỉ số đại diện cho nền công nghiệp Hoa Kỳ. Quy tắc của DJIA thuở ban đầu hết sức đơn giản, chân phương, là bình quân giá của 12 loại chứng khoán công nghiệp lớn niêm yết trên Sàn Chứng Khoán New York. Sau đó, DJIA có nhiều điều chỉnh để thích ứng với muôn vàn muôn vẻ các sự kiện của doanh nghiệp như sát nhập, chia tách, trả cổ tức bằng tiền, bằng cổ phiếu…Số lượng cổ phiếu thành phần của chỉ số DJIA cũng được gia tăng thành 20 vào năm 1916 và 30 vào năm 1928 và giữ mãi số lượng ấy cho đến ngày nay.

Căn cứ đo lường chỉ số (Weighting)

Nhân tố cơ bản để phân loại các CSCK chính là căn cứ đo lường chỉ số. Nó là phương pháp dùng để xác định giá trị của chỉ số.

Đo lường theo giá (price weighted)

Tuy vẫn luôn là chỉ số quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ theo giới truyền thông và quan niệm của công chúng nhưng DJIA không phải là một chỉ số ưu việt và không được giới chuyên môn khuyên dùng. DJIA được xây dựng dựa trên căn cứ đo lường thay đổi giá.
Để dễ hiểu, ví như trên thị trường chỉ có hai anh chàng GE và McDonald với mức giá lần lượt là 19 usd và 87 usd vào ngày hôm trước, và 20 usd và 80 usd vào ngày hôm sau. DJIA sẽ tính mức chỉ số ngày hôm trước là 53 [(19+87)/2] và ngày hôm sau là 50 [(20+80)/2]. DJIA không tính đến quy mô của anh chàng có số lượng cổ phiếu và vốn hóa lớn như GE (10,6 tỉ cổ phiếu đang lưu hành) và của anh chàng choai choai McDonald (1 tỉ cổ phiếu đang lưu hành). Thực ra, cùng một bước sãi về giá, vốn hóa của anh chàng khổng lồ GE sẽ tiến xa gấp 10 lần so với sự thay đổi vốn hóa của anh chàng McDonald.
Ngoài DJIA, chỉ số Amex Major Market và NYSE ARCA Tech 100 cũng dùng phương pháp này. Lợi thế của phương pháp đo lường giá là các tính đơn giản và liên tục. Tuy vậy, chỉ dựa trên bình quân giá cào bằng, phương pháp đo lường giá sẽ không phản ánh được sự thay đổi quy mô thật sự của thị trường mà nó đại diện.

Đo lường vốn hóa (market-value weighted hay capitalization weighted)

Để khắc phục nhược điểm của đo lường theo giá, người ta chuyển qua dùng căn cứ đo lường theo vốn hóa. Căn cứ đo lường chỉ số dựa trên vốn hóa thị trường trở nên phù hợp hơn vì nó phản ánh quy mô vốn-tài chính- và là thang đo sự thịnh vượng của một nền kinh tế. Vốn hóa thị trường được tính bằng giá nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tiêu biểu cho phương pháp này là sự ra đời chỉ số S&P90 vào năm 1923 và sau đó là S&P500 và năm 1957. Chỉ số S&P500 đo lường sự thay đổi vốn hóa thị trường của 500 công ty dẫn đầu trong các ngành công nghiệp Hòa Kỳ.

Đa phần các chỉ số chứng khoán hiện đại đều được tính theo phương pháp đo lường vốn hóa thị trường và các biến thể của nó.

Chỉ số đo lường căn cứ trên vốn hóa cũng có dăm ba loại khác nhau: chỉ số vốn hóa theo giá, chỉ số vốn hóa theo tổng lợi nhuận và chỉ số vốn hóa theo lợi nhuận ròng.
Chỉ số vốn hóa theo giá đo lường hiệu quả của tổng thành phần chỉ số chỉ dựa trên sự thay đổi giá của chỉ số. Chỉ số này khá là dễ dàng trong cách thực hiện và là căn cứ để tính các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn chuẩn (futures), hợp đồng quyền chọn về sau.

Tuy vậy, các quỹ đầu tư thì không ưa cách đo lường này với lập luận là hiệu quả đầu tư không chỉ phụ thuộc vào giá mà phụ thuộc vào lợi nhuận. Thực vậy, có nhiều cổ phiếu có giá hầu như không thay đổi thậm chí còn suy giảm nhưng hiệu quả đầu tư vẫn lớn điển hình như cổ phiếu Microsoft hay Google vì khoản chi trả cổ tức của nó lớn và đều đặn. Vì thế, các quỹ đầu tư thường ưa chuộng các chỉ số vốn hóa theo tổng lợi nhuận hoặc chỉ số vốn hóa theo lợi nhuận ròng (giá trị vốn hóa sau thuế). Lợi nhuận ở đây được hiểu là bao gồm giá và cổ tức.

Đo lường số cổ phiếu (market-share weighted)

Vốn hóa được hình thành từ giá và số cổ phiếu lưu hành. Do vậy, ngoài phương pháp đo lường căn cứ trên giá và vốn hóa, chúng ta còn có phương pháp đo lường căn cứ trên số cổ phiếu. Phương pháp này tập trung đo lường sự biến thiên số lượng cổ phiếu của các doanh nghiệp. Tuy vậy, phương pháp này không mấy nổi bật và không có các sản phẩm thành công.

Đo lường điều chỉnh (modified weighted)

Đo lường số cổ phiếu hay đo lường vốn hóa hiểu theo nghĩa chung như trình bày được gọi là đo lường đầy đủ, nghĩa là đo lường tất cả lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường của doanh nghiệp. Hiện nay, chúng ta còn có các phương pháp đo lường điều chỉnh - chỉ lấy một phần trong tổng số vốn hóa hay cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Các chỉ số loại này chỉ quan tâm đến số cổ phiếu tự do giao dịch (free float weighted), hay chỉ số lượng cổ phiếu nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước hay bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo phương pháp đo lường vốn hóa hay số cổ phiếu, mỗi thành phần trong chỉ số sẽ được tính toán tỉ trọng của chúng so với tổng thể. Các loại cổ phiểu có tỉ trọng lớn thường có khuynh hướng lấn át các cổ phiếu khác và chi phối hướng đi của cả chỉ số. Do vậy, để tránh tình trạng méo mó và phụ thuộc vào nhóm các cổ phiếu có tỉ trọng lớn, người ta có các biện pháp điều chỉnh giới hạn tỉ trọng (capped weighted), giới hạn tỉ trọng theo mức bằng nhau (equal weighted) hay tự áp đặt tỉ trọng cho các thành phần.

Đo lường theo các thông số cơ bản (Fundamental weighted)

Trong nỗ lực xây dựng các chỉ số theo các tiêu chí đặc biệt để nâng cao hiệu suất, ngoài phương pháp đo lường theo giá và vốn hóa, các nhà tạo lập chỉ số cũng hướng đến các phương pháp đo lường dựa trên các thông số cơ bản của doanh nghiệp như doanh thu, tỉ lệ cổ tức, lợi nhuận hoặc giá trị sổ sách của công ty.
Các cách đo lường khác nhau này không loại trừ nhau nhưng vẫn tồn tại song song cho đến để đáp ứng các nhu cầu khác nhau.

Lê Hoàng Nhi
(còn tiếp)
copyleft: vfpress

View more random threads: