Trong thời gian vừa qua, việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán gây nhiều bức xúc cho các nhà đầu tư. Một số thông tin sai lệch không phản ánh đúng thị trường, một số thông tin chỉ phục vụ một số tổ chức nào đó hay thậm chí phục vụ lợi ích cá nhân. Ngay cả những thông tin mang tính quản lý vĩ mô của Nhà nước nhằm điều chỉnh thị trường bớt nóng sau những phiên tăng trần liên tục cũng có nhiều vấn đề.

Với những thông tin sai lệch chỉ phục vụ lợi ích riêng thì không có gì phải bàn cãi, chúng ta cần phải có chế tài, biện pháp quản lý và xử lý để tình trạng đó không diễn ra. Nhưng với biện pháp quản lý vĩ mô bằng cách sử dụng thông tin mà Nhà nước (cụ thể là Ủy ban chứng khoán Nhà nước) đang áp dụng để điều tiết thị trường như hiện nay liệu có đúng đắn hay không?

Theo tôi, có một số vấn đề như sau:

-Việc sử dụng báo chí để thông tin nhằm điều chỉnh thị trường ví dụ như những thông tin kiểu như: giá cổ phiếu hiện nay vượt quá giá trị thực của nó hoặc theo phân tích kỹ thuật đã đến thời điểm các nhà đầu tư nên bán…v.v.. đã thể hiện nhiều sự vô lý:

oNếu khuyên bán thì tức là cũng phải có người mua, nếu không các nhà đầu tư bán cho ai?

oMặt khác nếu tất cả các nhà đầu tư cùng bán một thời điểm sẽ dẫn đến tình trạng hoảng loạn, tranh nhau bán. Mà việc mua bán chứng khoán theo tâm lý như vậy sẽ làm cho một số nhà đầu tư non nớt thiếu kinh nghiệm bị thua lỗ vì khi mua họ mua ở đỉnh (do mua theo phong trào, do có quá nhiều thông tin tốt được đưa ra…) và khi bán thì lại bán ở đáy (cũng lại do phong trào và do thông tin công bố).

oGiá trị thực của cổ phiếu là bao nhiêu? liệu các chuyên gia có xác định cụ thể được không? Nếu không xác định được thì làm sao biết là cổ phiếu hiện tại đắt hay rẻ. Hơn nữa giá cả cổ phiếu phản ánh cung cầu chứ không thể bằng giá trị thực được. Nó chỉ xoay quanh giá trị thực. Ngay bản thân giá trị thực của cổ phiếu cũng là một đại lượng biến động theo thời gian vì hoạt động sản xuất kinh doanh của 1 công ty phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố vi mô và vĩ mô. Chúng ta chỉ có thể so sánh được đắt hay rẻ một cách tương đối giữa 2 cổ phiếu của 2 công ty có đặc điểm giống nhau. Mà trên thực tế thì không thể có chuyện có 2 công ty giống y như nhau để mà so sánh.

-Thị trường hiện nay lên xuống phụ thuộc rất nhiều vào việc công bố thông tin. Do đó, thị trường không chỉ đảo chiều đi xuống (các nhà đầu tư tranh nhau bán) do cách công bố thông tin mà thị trường còn tăng nóng (các nhà đầu tư tranh nhau mua) cũng do cách công bố thông tin mà ra. Như vậy công tác quản lý vĩ mô của Nhà nước không nhất quán. Rất nhiều thông tin tốt được đưa ra vô tội vạ, thiếu chính xác đã làm các nhà đầu tư bị hưng phấn quá đáng, đồng thời làm số lượng các nhà đầu tư tăng vọt dẫn đến việc cầu vượt cung quá nhiều làm thị trường tăng nóng. Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa giải quyết được bài toán tăng cung cho thị trường vì tiến độ cổ phần hóa các DNNN là vô cùng chậm chạp. Vì vậy để chữa cháy, Nhà nước lại phải sử dụng thông tin để điều chỉnh thị trường. Điều này làm cho mọi người hình dung đến hình ảnh thị trường chứng khoán như một tấm vải để may áo, còn Nhà nước là một ông thợ may tay nghề yếu kém để tấm vải rách tứ tung và cứ phải lo đi vá hết chỗ nọ đến chỗ kia. Trong khi cơ thể người mặc áo là nhà đầu tư cần được chăm sóc thì lại bị chỗ thì nóng quá, chỗ thì lạnh quá do áo rách.

-Về vấn đề dùng thông tin để làm thị trường điều chỉnh, có nhiều người cho rằng đó là điều cần thiết và việc điều chỉnh không ảnh hưởng gì đến những người đầu tư thực sự, đầu tư lâu dài. Theo tôi, nó chỉ thực sự là đúng khi cách điều chỉnh của thị trường không gây sốc cho các nhà đầu tư. Nhưng thực tế thì sao, đa phần các nhà đầu tư của chúng ta là các nhà đầu tư nhỏ, nhiều người phải dành dụm tiền lương nhiều năm của họ, rồi vay mượn gia đình, bạn bè, ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán với hy vọng lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm. Do đó, khi thị trường điều chỉnh với cái cách lên ầm ầm rồi xuống cũng ầm ầm, rất nhiều người mặc dù cũng muốn đầu tư cổ phiếu lâu dài nhưng khi thấy thị trường đảo chiều đột ngột, họ sẽ không nghĩ là thị trường đang điều chỉnh mà lập tức lo sợ thị trường sụt giảm thê thảm như hồi 2001-2003. Họ tranh nhau bán tháo để bảo toàn số vốn còm của mình dành dụm được. Như vậy biện pháp dùng thông tin để điều chỉnh thị trường làm thiệt hại cho các nhà đầu tư cá nhân với vốn ít trong khi đó lại làm lợi rất nhiều cho các tổ chức lớn hay các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh (trường vốn) vì trong khi thị trường điều chỉnh thì họ lại mua vào. Do đó, chính sách này của Nhà nước đã không bảo vệ được cho các nhà đầu tư nhỏ trong khi người giàu cứ giàu thêm.

Để giải quyết những vấn đề nổi cộm như trên, tôi xin đề xuất các biện pháp như sau:

-Thị trường tự vận hành theo quy luật cung cầu mà không có sự can thiệp mạnh về thông tin của Nhà nước.

-Nhà nước cần có một bộ phận theo dõi, đánh giá tác động của thông tin đối với thị trường để có hình thức công bố phù hợp, kể cả những tin tức tốt lẫn những tin xấu và chỉ cho phép một số cơ quan có quyền công bố những thông tin chính thức và đáng tin cậy chứ không phải bát nháo như hiện nay tờ báo nào cũng có quyền phát ngôn về thị trường chứng khoán. Tuyệt đối không có những thông tin chủ quan kiểu như: hiện nay nên bán hay nên mua.

-Những quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán cần phải đưa vào Luật Chứng khoán (Những loại thông tin nào được phép đưa ra, cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố…).

Như vậy, thị trường sẽ mang tính cạnh tranh hơn. Mỗi nhà đầu tư sẽ có những chiến lược riêng của mình. Đứng trước 1 thông tin tốt hay xấu, mỗi nhà đầu tư sẽ có quyết định mua hay bán cụ thể và không bị phụ thuộc vào ai. Có thể với thông tin này, nhà đầu tư này nghĩ đó là cơ hội và quyết định mua, nhưng với nhà đầu tư khác lại cho rằng đã đến thời điểm nên bán. Thị trường sẽ không xảy ra tình trạng tất cả cùng tranh nhau bán hoặc cùng tranh nhau mua làm gây ra những cú sốc giá. Giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng nhanh cho đến khi cầu về cổ phiếu được thỏa mãn hoặc tới một mức giá mà các nhà đầu tư thống nhất là quá cao. Sau đó Giá cổ phiếu sẽ giảm nhưng với tốc độ chậm, không gây sốc và không gây thua lỗ nặng cho những nhà đầu tư đến sau và phải mua giá ở đỉnh. Tất nhiên là với điều kiện Nhà nước không gây một cú sốc nào về cung chứng khoán cũng như về chính sách vĩ mô. Vì vậy Nhà nước phải có kế hoạch cổ phần hóa cụ thể và bám sát thị trường. Ví dụ như năm 2005 vừa qua, số lượng các công ty đưa ra đấu giá từ đầu năm rất thưa thớt, đến cuối năm các công ty đấu giá ồ ạt làm cho thị trường bị sụt giảm mặc dù trước đó là giai đoạn thị trường đang tăng trưởng do hiệu ứng từ chính sách tăng tỷ lệ từ 30-49% của Nhà nước.

Thị trường chỉ xảy ra cú sốc giá khi mà nền kinh tế suy thoái, số lượng tin xấu nhiều hơn số lượng các tin tốt.