Trên báo đầu tư chứng khoán sáng nay số 10(326) ra ngày 6 tháng 3, 2006 có bài “Thiếu cơ chế cho VF1 tăng vốn” trong đó nổi bật lên có hai luận điểm mà báo Đầu tư chứng khoán (ĐTCK) đưa ra:
1.Các quy định hiện hành ở Việt Nam liên quan đến quỹ và quản lý quỹ chưa có khoản mục nào hướng dẫn việc tăng vốn của quỹ đầu tư.
2.Vì cái được gọi là bảo vệ nhà đầu tư nhằm tránh hiện tượng NAV là giá trị bong bóng.

Lý lẽ đưa ra là chưa có hướng dẫn, chưa có khoản mục luôn là một lý do cho việc chậm chễ của các cơ quan công quyền chúng ta, xét cho cùng UBCK là người có quyết định quan trọng, có những tư vấn và sửa đổi cần thiết trong các văn bản đệ trình lên Bộ Tài Chính, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, đi lên của thị trường chứng khoán.

Chúng ta không thể đưa ra lý do “chưa có tiền lệ” để từ chối, vì chính chúng ta đều biết rằng việc gì cũng phải có “lần đầu tiên”. Vấn đề hiện nay là VF1 tăng vốn vào thời điểm này là phù hợp chưa?, Theo cá nhân tôi, và cũng như rất nhiều nhà đầu tư khác là phù hợp. Một lý do đơn giản là hiện này lượng tiền mặt trong quỹ VF1 chỉ còn khoảng hơn 40 tỷ, trong khi đó một loạt các cổ phiếu mà VF1 nắm giữ sẽ tăng vốn trong năm nay như NH Eximbank, NH Quân đội, … Lấy đâu lượng tiền mặt để thực hiện quyền của cổ đông sau khi đã trả cổ tức cho người nắm giữ chứng chỉ quỹ?

Người quan sát của ĐTCK đưa ra dẫn chứng “Một số chuyên gia” cho rằng NAV hiện nay có tính “ bong bóng”, và quyền lợi của người đầu tư là không đảm bảo. Một số “chuyên gia” mà tôi gặp thì có ý kiến khác, họ cho rằng VF1 thật sự là một “viên ngọc sáng” do lợi thế ra đời sớm của mình, hiện nay lượng nắm giữ chứng chỉ quỹ của các cá nhân chỉ khoảng 17% ( trước kia là 20%) và đang có xu hướng thành một quỹ thành viên, điều đó có thể dẫn tới khả năng khan hiếm “hàng” VF1 trên sàn trong một thời gian nữa khi mà các tổ chức mua và nắm giữ chứng chỉ VF1 dài hạn. Giá được quyết định trên quy luật cung cầu, và đôi khi người ta mua VF1 còn do niềm tìn vào tương lai của nó nữa. Mục đích bảo vệ người đầu tư là rất tốt, nhưng không vì thế mà hạn chế đi khả năng của nhà đầu tư trong thị trường chứng khoán và quan trọng hơn là không “lấy” đi của nhà đầu tư cơ hội.

Hơn thế nữa với cách phân phối mà quỹ VF1 thông qua (60% bán cho nhà đầu tư hiện hữu, 40% còn lại bán theo thoả thuận và vẫn ưu tiên bán cho các nhà đầu tư hiện hữu trước) thì xem ra mục đích bảo vệ nhà đầu tư mà ĐTCK đưa ra có bất cập không?

Trong một thị trường linh động, phát triển và hiện đại, các thực thể tham gia nên được trao cho một khả năng, đó là khả năng làm những gì mà pháp luật không nghiêm cấm, chứ không phải chỉ được làm những gì mà quy định quy chế vừa mới bổ sung. Hãy để người đầu tư tự lo cho chính họ, để họ trưởng thành và có thể vì chúng ta chưa chắc đã hơn gì họ.

Cuối cùng trong khi thông tin chính thức chưa được công bố, những bài báo tương tự như vậy trên báo ĐTCK có thể làm cho người đầu tư bị nhiễu thông tin, dẫn đến những quyết định thiếu khách quan. Đề nghị ĐTCK nên thận trọng hơn trong những nhận định của mình.