Tôi xin cắt một đoạn bài viết của một tác giả để các nhà đầu tư chúng ta có cài nhìn rõ hơn về các quỹ đầu tư ở VN:
Công ty quản lý quỹ Finansa đang sẵn sàng quản lý một quỹ mới với 20 triệu đô-la Mỹ để chỉ đầu tư vào Việt Nam. Một quỹ của Indochina Capital cũng đã được các nhà đầu tư cam kết tăng thêm 10 triệu đô-la Mỹ, nâng số vốn lên 20-25 triệu đô-la Mỹ trong năm 2005. Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) thì hối hả gọi thêm vốn cổ đông. Còn Vietnam Growth Fund, một quỹ của nước ngoài, cũng đang gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để bỏ vào các công ty niêm yết và chưa niêm yết của Việt Nam... Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội này?

Những quả ngọt

Quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) với khỏang 1.500 tỉ đồng đã đầu tư vào chứng khoán, doanh nghiệp cổ phần hóa, ngân hàng cổ phần, có mức tăng trưởng bình quân 10%/năm trong vòng 4-5 năm trở lại đây. Năm ngoái theo đánh giá của LCF Rothschild Country Funds Research, mức tăng trưởng của VEIL khoảng 15%. Nhưng như thế vẫn chưa phải cao nhất. Rothschild đã xếp VOF ở vị trí hàng đầu của các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam với mức tăng trưởng ngoạn mục 25% trong năm 2004. Khoảng 90% số vốn của quỹ này (36,1 triệu đô-la Mỹ) đã được đầu tư vào các doanh nghiệp, trong đó, lĩnh vực được VOF ưu tiên là dịch vụ tài chính (20% vốn), hàng tiêu dùng – thực phẩm (23%), bất động sản (7,2%), giáo dục (4,2%)... Gần đây, VOF liên tiếp “đổ” thêm tiền vào qua những công ty lớn như Vinamilk, Ngân hàng Phương Nam, Kinh Đô miền Bắc, Kinh Đô miền Nam. Với những dự án đã đầu tư thời gian trước, VOF gặt hái kết quả không tồi. Chẳng hạn việc góp vốn cùng Công ty Kinh Đô mua lại hãng kem Wall’s của Unilever, thì cổ tức mà VOF được chia trong năm đầu tiên đã tương ứng 23% tổng số tiền đầu tư.

Một quỹ đầu tư khác là Mekong Enterprise Fund (MEF) bắt đầu có tăng trưởng khi mà số tiền đầu tư vào các công ty tư nhân lớn dần. Đến nay, MEF đã đầu tư 9 triệu đô-la Mỹ vào 7 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả với mức tăng doanh thu và lợi nhuận tới 30%/năm. Ông ChrisFreund, Tổng Giám đốc Mekong Capital, đơn vị quản lý MEF, cho biết sắp tới quỹ chỉ tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, nơi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, nhất là những công ty sản xuất hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bức tranh nhiều màu

Tháng 7-2004, sau khi bán lại “tài sản cuối cùng” là cổ phiếu Bibica với số lượng khá lớn cho một quỹ đầu tư ở Việt Nam, Quỹ Vietnam Frontier Fund chia vốn, lãi cho cổ đông, chính thức đóng cửa. Nhưng công ty Quản lý quỹ Finansa tiếp tục hoạt động, chuẩn bị quản lý một quỹ mới với số vốn 20 triệu đô-la Mỹ, chuyên đầu tư vào Việt Nam, dự định khai trương trong tháng 4-2005. Trong khi đó, một công ty quản lý quỹ khác là Finansa Fund Management (Thái Lan) bắt đầu tham gia đấu giá cổ phiếu doanh nghiệp. Gần đây nhất, họ tham gia phiên đấu giá cổ phiếu Vinamilk nhưng không trúng. Quỹ Agrisaig Asian Fund, đóng ở Singapore nhưng do các nhà đầu tư Anh sở hữu, thông qua sự tư vấn của một công ty chứng khoán Việt Nam, cũng đã mua được không ít cổ phiếu ngoài sàn. Một số quỹ như DEG (Đức), FMO (Thụy Sỹ) chưa mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, nhưng đã đặt chân vào thị trường cổ phiếu. Họ là những đối thủ cạnh tranh mới của các quỹ đang có mặt ở Hà Nội, TPHCM và đang khiến cho “bức tranh” quỹ đầu tư ở Việt Nam trở nên sinh động.

Thực tế, ngoài những quỹ đầu tư được thành lập từ những năm 1992-1994 và hiện vẫn còn sở hữu một số tài sản, chủ yếu là các khoản đầu tư mà họ chưa thể chuyển nhượng như Beta, Keppel, có thể phân các quỹ đầu tư mới ở Việt Nam làm hai mảng: nước ngoài và trong nước. Nước ngoài có IDG (vốn 100 triệu đô-la Mỹ, đầu tư mạo hiểm, tập trung vào các công ty Tin học), Phan-xi-phăng, VEIL, MEF, VOF, Indochina Capital. Trong nước có VF1, Thành Việt (mới thành lập công ty quản lý Quỹ, chuẩn bị lập quỹ) và các quỹ của các công ty bảo hiểm như Prudential, Manullife, Bảo Việt, AIA, Bảo Minh-CMG...

Các quỹ trên đều hướng đến cho doanh nghiệp trong và ngoài sàn. Cho dù quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ, thông tin chưa đầy đủ như mong muốn, nhưng sức hấp dẫn của Việt Nam như một địa chỉ đầu tư tài chính đã được khẳng định. “Có hai lý do giải thích sự nhộn nhịp của đầu tư tài chính ở Việt Nam gần đây. Các công ty quản lý quỹ cho rằng với dân số trên 80 triệu người, tăng trưởng GDP hơn 7%/năm, trước sau Việt Nam cũng trở thành một nền kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á. Do đó, nếu bây giờ không vào Việt Nam là mất cơ hội” – một doanh nhân sống và làm việc lâu năm ở TPHCM nhận xét – “Thứ hai là cổ đông của các quỹ đầu tư đặt nhiều câu hỏi về sự phát triển của Việt Nam, thúc đẩy các công ty quản lý quỹ tìm hiểu. Vì thế, các công ty quản lý quỹ mở văn phòng, đầu tư theo kiểu vệ tinh ở Việt Nam”.

Sự mở đường của các quỹ đầu tư nhỏ, đến một lúc nào đó sẽ kéo theo các quỹ đầu tư lớn. Cơ hội cho các quỹ đầu tư mới chỉ bắt đầu, Việt Nam sẽ tận dụng nó để thu hút đầu tư tài chính như thế nào? Giám đốc một công ty quản lý quỹ nói: “Cái thiếu nhất của Việt Nam hiện nay là chưa có những định chế tài chính của riêng mình, như các quỹ đầu tư trong nước, để huy động nguồn vốn trong xã hội. Cái thiếu thứ hai là thông tin. Không phải thông tin về doanh nghiệp cụ thể, chứng khoán cụ thể, mà là thiếu thông tin về thị trường giao dịch cho những chứng khoán đó, nhất là chứng khoán ngoài sàn”.