<font size="6">#<font size="6"> IPO là gì?

IPO (Initial Public Offering) là hoạt động công ty lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng.

#Tại sao công ty lại tiến hành IPO?

Có nhiều lí do để công ty thực hiện IPO, phần lớn tập trung vào các lí do sau:

1. Huy động thêm vốn
Đây là lí do rõ ràng và phổ biến nhất. Các công ty có thể muốn mở rộng kinh doanh hiện tại của họ, tuy nhiên vốn tái đầu tư không đủ để mở rộng công ty nhanh chóng. Trong khi đó, IPO là cách nhanh nhất để huy động vốn giúp cho công ty có thêm tiền đầu tư vào xây dựng các nhà máy mới, hoạt động nghiên cứu và phát triển, thanh toán các khoản nợ cũ,…

2. Công cụ bảo hộ của các nhà đầu tư mạo hiểm
IPO đôi khi được sử dụng như 1 chiến thuật bởi các nhà thiết lập và các nhà đầu tư mạo hiểm để rút khỏi công ty hoặc bán một vài % cổ phần ở giá cao để kiếm lời, tránh khả năng mất tất cả. Ví dụ, năm 2012, Facebook tiến hành IPO, Mark Zuckerberg đã bán khoản 30,3 triệu cổ phiếu, trị giá khoản 1,1 tỉ USD. Đối với các nhà đầu tư mạo hiểm khi bỏ vốn đầu tư vào startups, họ chờ đợi vài năm khi các công ty startups đủ lớn, họ sẽ yêu cầu công ty IPO và bán cổ phần của mình.

3. Tăng giá trị của công ty
Khi công ty tiến hành IPO, nếu công ty trong tình trạng tài chính tốt, hoạt động có lãi và có các triển vọng phát triển trong tương lai thì điều đó sẽ làm công ty trở nên hấp dẫn nhà đầu tư và có thể làm cổ phiếu được định giá cao hơn, do đó làm tăng giá trị tài sản ròng. Các công ty tốt đặc biệt thu hút chú ý của các định chế tài chính lớn, các ngân hàng, các quỹ phòng hộ.

4. Tăng giá trị tài sản thương hiệu
Khi công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì uy tín của công ty được tăng lên vì khi có nhiều thông tin về công ty được tiết lộ, công chúng có thể tìm hiểu công ty tốt hơn. Mọi người có thể tương tác nhiều hơn với các cấp quản lí, khách hàng và nhà đầu tư ngày càng có nhiều ý thức về các sản phẩm của công ty và thu hút được nhóm khách hàng mới. Điều này có thể dẫn đến tăng thu nhập và lợi nhuận, cuối cùng dẫn đến tăng thị phần vì vậy dần dần trở thành một ông lớn trong ngành.

5. Niềm tự hào
Đôi khi, giấc mơ cuối cùng của các doanh nhân là công ty của họ được phát hành cổ phiếu ra công chúng. Khi một công ty được lên sàn chứng khoán thì họ được tôn trọng nhiều hơn so với công ty có cùng quy mô, doanh thu và lợi nhuận nhưng chưa được niêm yết. Các CEO cũng có khái niệm muốn trở thành CEO của các công ty đại chúng lớn. Họ cảm thấy tự hào khi quản lí một tập đoàn kinh doanh được niêm yết công khai.</font></font>