Năm 2013 xứng đáng được giới đầu tư vàng trên thế giới và ở Việt Nam ghi nhớ là một năm… “đáng quên” bởi những cú sụt giá chóng mặt và những đợt bán tháo tới tấp. Sự “thất sủng” của vàng đã lộ rõ sau hơn 1 thập kỷ kim loại quý này được ưu ái trong danh mục của các nhà đầu tư.

Dưới đây là một vài con số mang tính chất điểm nhấn của thị trường vàng thế giới và Việt Nam trong năm qua:

<a href="http://www.giavang.net/wp-content/uploads/2013/12/gold_2452762b2-300x336.jpg" onclick="return hs.expand(this)"></a>
30%: Năm 2013 chưa chính thức khép lại, nhưng mức giảm của giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 30%. Với mức giảm này, năm nay sẽ là năm mất giá mạnh nhất của vàng kể từ năm 1981, đồng thời là năm giảm giá đầu tiên của vàng sau 12 năm tăng liên tục kể từ năm 2000. Hiện giá vàng giao ngay đang ở quanh ngưỡng 1.200 USD/oz, trong khi kỷ lục mọi thời đại của giá vàng là mức trên 1.920 USD/oz thiết lập vào tháng 9/2011.


Gần 12 triệu đồng/lượng: So với cuối năm ngoái, tính đến ngày 26/12 này, giá vàng SJC đã giảm gần 12 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm khoảng 25%, chỉ thua kém chút đỉnh so với mức giảm của giá vàng thế giới. Với chính sách siết chặt quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước có một năm diễn biến ổn định hơn giá vàng thế giới. Tuy nhiên, do không thể thoát khỏi sức ép giảm của giá vàng quốc tế, giá vàng SJC đã “trật tự” đi xuống.


Ngày 15/4: Giá vàng thế giới “bốc hơi” 125 USD/oz trong 1 phiên giao dịch. Đây là phiên giảm giá tồi tệ nhất trong lịch sử xét về giá trị tuyệt đối. Nếu xét về giá trị tương đối, thì mức sụt 9% trong phiên này cũng là mạnh nhất kể từ đầu thập niên 1980 tới nay.


1.180 USD/oz: Là mức giá thấp nhất của vàng giao ngay thị trường thế giới kể từ giữa năm 2010. Mức đáy này được thiết lập vào cuối tháng 6 năm nay, kết quả của một đợt bán tháo lớn nữa trên thị trường vàng.
10 tỷ USD: Là mức cắt giảm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dành cho gói nới lỏng định lượng QE3 hôm 18/12 vừa qua. Theo đó, giá trị gói kích thích kinh tế này giảm còn 75 tỷ USD mỗi tháng từ mức 85 tỷ USD/tháng trước đó. Lo ngại xung quanh việc FED thu hẹp QE3 là nguyên nhân chính khiến giới đầu tư bán tháo vàng trong năm nay. Ngoài ra, sức ép giảm giá mạnh đối với kim loại quý trong năm 2013 còn đến từ sự phục hồi của kinh tế Mỹ, thị trường Phố Wall tăng điểm cao kỷ lục, lạm phát toàn cầu thấp, và đồng USD phục hồi giá trị.


Chỉ số MSCI All-Country World Index của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng 19% trong năm nay. Chỉ số Bloomberg Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 10 đồng tiền mạnh khác tăng 3,4%.
Hơn 500 tấn vàng: Là số vàng mà quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ròng từ đầu năm tới cuối tháng 12 này. Quỹ này hiện còn chỉ nắm khoảng 806 tấn vàng. Theo hãng nghiên cứu EPFR Global, các nhà đầu tư đã rút 38,8 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư vào vàng trong năm nay, đánh dấu năm thoái vốn mạnh nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được theo dõi vào năm 2000.


67,5 tấn vàng: Là số vàng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bán ra thông qua 75 phiên đấu thầu tính đến ngày 20/12. Kể từ ngày 28/3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện đấu thầu vàng, trở thành nguồn cung vàng mới chính thức duy nhất cho thị trường vàng trong nước. Trong 75 phiên này, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu khoảng 71,7 tấn vàng.


Trong khối lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước đã bán ra qua đấu thầu, có khoảng 30 tấn được các ngân hàng thương mại gom để tất toán trạng thái, còn lại được cho là ra thị trường.


30/6/2013: Là hạn chót mà các tổ chức tín dụng phải tất toán xong trạng thái vàng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, chấm dứt hoàn toàn “duyên nợ” với huy động vốn bằng vàng. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số ngân hàng thương mại chưa gom đủ vàng để tất toán xong đúng mốc này mà phải một thời gian sau mới hoàn thành.


Hơn 4 triệu đồng/lượng: Đây là mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới vào thời điểm hiện tại. Dù hàng chục tấn vàng đã được Ngân hàng Nhà nước bán ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn rất lớn, thậm chí còn lớn hơn khi chưa có đấu thầu vàng. Khi bắt đầu có đấu thầu vàng, giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng.


Nhiều người đã hy vọng, khi các tổ chức tín dụng tất toán trong trạng thái thì giá vàng trong nước sẽ về sát với giá thế giới do lực cầu vàng không còn lớn nữa, nhưng thực tế không phải như vậy. Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước thì cơ quan này đấu thầu vàng để bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá.


10%: Là mức thuế nhập khẩu vàng mà Ấn Độ hiện đang áp dụng. Năm nay, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới đã liên tục tăng thuế nhập vàng từ mức 2% ở thời điểm đầu năm. Vàng bị các nhà chức trách Ấn xem như một “tội đồ” gây ra thâm hụt cán cân vãng lai khổng lồ của nước này và làm cho đồng Rupee mất giá nghiêm trọng.


Với thuế nhập khẩu cao “chót vót” và các biện pháp hạn chế khác, lượng vàng nhập khẩu vào Ấn Độ năm nay giảm mạnh so với mọi năm, trong khi nhu cầu của người dân không giảm là mấy. Vì thế, chênh lệch giữa giá vàng Ấn Độ với giá vàng quốc tế bị đẩy lên mức cao kỷ lục gần 150 USD/oz, chưa tính thuế nhập khẩu.


1.000 tấn vàng: Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự báo, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên nhập khẩu hơn 1.000 tấn vàng trong năm nay. Trong khi đó, theo dự báo của WGC, Ấn Độ có thể sẽ chỉ nhập khoảng 900 tấn vàng, so với mức nhập trên 1.000 tấn suốt nhiều năm qua. Nếu dự báo này trở thành sự thật, Trung Quốc sẽ “soán ngôi” nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới mà Ấn Độ đã nắm giữ suốt nhiều năm qua.