-------------------------------
Blogger: Hoàng Thạch Lân
Thời gian đăng: 09/11/2011
Blog: http://hoangthachlan.wordpress.com/

-------------------------------


Nói thiệt rằng suy nghĩ đầu tiên của tui khi nghe tin STB sắp mua gần 100 tr cp quỹ là kéo giá. Đây là lượng cp quỹ được đăng ký mua lại lớn nhất từ trước đến giờ, xét trên cả các khía cạnh quy mô đăng ký và quy mô GD, do đó phải có sức công phá lên thị giá. Tuy nhiên, mấy hôm nay giá STB vẫn không tăng là mấy, phải chăng là suy nghĩ tui sai, hay thị trường còn đang chờ ngày STB bắt đầu mua để tìm hiểu xem thực sự STB sẽ đặt khớp lệnh hay đã có sẵn GD thỏa thuận? Thôi chuyện đó để sau, giờ tui xin kể ra mấy phát hiện về “vụ” này:


Theo quy định GD của HOSE (điều 24, QĐ 124/QĐ-SGDHCM ngày 9/10/2007) thì có 3 điểm đáng chú ý về GD cp quỹ:


- Khối lượng lệnh đặt mua tối thiểu 3%, tối đa 5% trên tổng lượng đã đăng ký, muốn vượt phải xin phép riêng. Nghĩa là nếu STB đặt khớp lệnh thì tối thiểu 2,7tr cổ, tối đa 4,5tr cổ (tạm làm tròn lượng đăng ký là 90tr cổ, ~ 10% KLĐLH theo Nghị quyết HĐQT của ngân hàng này). So với lượng GD hiện nay được thống kê trên HOSE thì lượng mua quỹ hơi bị áp đảo rồi, đó là yếu tố mà tui nghĩ là có khả năng kéo giá.


- Giá đặt mua lại trong ngày không được lớn hơn giá tham chiếu + 3 đơn vị yết giá. Ví dụ hôm nay giá đóng cửa 13,6 k/cổ thì ngày mai cty không được đặt giá cao hơn 13,6+0,3 = 13,9 k/cổ. Nhưng quy định vậy cũng có thể hiểu là mỗi ngày cp này sẽ có thể tăng đều đều 3 line (với lượng cầu khủng nói trên), mưa dầm thấm lâu + quyết tâm cao của các bác đặt lệnh thì chả chóng thì chầy giá STB cũng đuổi kịp “đại kình địch” ACB, lên được 2 chấm.


- Khối lượng mua lại không được vượt quá 10% KLGD của ngày liền trước. Nhìn sơ qua thì thấy bất hợp lý: lượng GD bq hiện nay chỉ tầm dưới 1tr cổ, lệnh mua lại tối thiểu 2,7tr cổ thì làm sao được phép đặt. Nhưng chớ lo, sẽ có 1 phiên STB khớp 3tr cổ để rồi hôm sau cty bắt đầu đặt lệnh mua cp quỹ và… Còn nếu đã thỏa thuận 1 ít thì càng đỡ lo hơn nữa.

Với 3 điểm quy định nêu trên, dễ suy ra được mục đích chính của quy định là nhằm ngăn ngừa tình trạng thao túng giá, kinh doanh trên chính cp của mình, ví dụ như cấm mua trần, cấm đặt lệnh quá khủng vào 1 phiên để dọa bên bán… Nhưng với lượng đăng ký khủng của STB, mọi ngăn ngừa trở nên vô nghĩa, không hiểu các bác quản lý sẽ nghĩ gì? Các bác bên ngân hàng hoàn toàn có thể kéo giá lên 2 chấm như tuyên bố của bác quan STB mà không sợ bị các bác quản lý quy vào tội thao túng giá.


Lại nói về tuyên bố nói trên của bác quan STB thì “HĐQT đã thống nhất nếu giá dưới 2 chấm, phản ánh không đúng giá trị sổ sách thì chúng tôi sẽ mua lại để khi giá cổ phiếu STB trở về đúng giá trị thực chúng tôi sẽ dừng mua và thoái vốn“. Có 2 ý tứ mà tui muốn thọc mạch chỉ trong 1 câu nói này.


Thứ nhất là mối quan hệ giữa “giá dưới 2 chấm” với “giá trị sổ sách”. Theo báo cáo riêng lẻ Q3 thì tính sơ sơ thư giá STB cũng chỉ loanh quanh gần thị giá 13,6 hôm nay, không biết bác ấy lấy đâu ra cái lập luận phải trên 2 chấm mới đúng giá trị sổ sách?


Thứ hai, tui nhớ là có sách nào từng nói về bí quyết mua cp của bác Buffett là mua khi cp thấp hơn ít nhất 20% so với giá trị thực, mà bác ấy thành công quá, nên sau này bác Bất phét (không nói phét) đã mua cổ nào thì bà con có thể suy ngay là cp ấy đang thấp hơn ít nhất 20% so với giá trị thực, thậm chí chả cần biết giá trị thực là bao nhiêu nữa. Nay chứng trường nhà mình có sếp lớn STB tuyên bố luôn là mua đến khi nào về giá trị thực thì mới thôi, nói ngắn gọn vậy đủ hiểu, hơn 76.000 cổ đông STB đúng là phải cám ơn lớn rồi (nếu bác ấy rải lệnh trên sàn khớp lệnh chứ không GD thỏa thuận với vài ai đó).


Ơ mà tại sao bác lại thòng là mua xong thì “thoái vốn”? Bác thoái thì giá STB lại thấp hơn giá trị thực thì sao, bác lại phải mua tiếp ah? Nói thế thì khác gì bác kinh doanh trên chính cổ cty mình nhỉ? Các bác quản lý nghĩ sao đây?


Giả sử bây giờ đồng loạt các ngân hàng NY cũng tuyên bố mua kịch kim 10% vốn điều lệ làm cổ quỹ thì có khi thành làn sóng mới kéo cả giá cp đó lẫn index lên tầm cao mới mất, khỏi cần lo cuối năm lạm phát là 18 hay 19%. Mà rồi cứ như thế nó sẽ thành tiền lệ: chỉ cần chủ doanh nghiệp nghĩ là cp cty mình đang dưới giá trị thực nào đó, là vung tiền ra mua cổ quỹ, mua xong thì lại… bán. Lỡ bán để giá lại thấp hơn giá trị thực thì… mua tiếp. Quy định các đợt mua rồi bán cổ quỹ cách nhau có 6 tháng thôi, đâu có dài. Mỗi lần cần làm thì chỉ HĐQT quyết là đủ, khỏi phải lấy ý kiến “tiểu cử tri”. Không biết các bác quản lý nghĩ gì nhỉ?