-------------------------------
Blogger: Hoàng Thạch Lân
Thời gian đăng: 14/09/2011
Blog: http://hoangthachlan.wordpress.com/

-------------------------------


Liệu có trùng hợp không khi mà ngay 1 bản in tuần này của báo Nhịp cầu đầu tư đăng luôn 2 bài về chủ đề phá sản trong tình hình chứng trường đang nóng về vụ DVD, thậm chí 1 bài có tựa đề “Cty CK nào sẽ phá sản?“? Nợ nhiều, doanh thu giảm, lỗ lớn, thông tin tài chính tù mù… những cái rất chi là điển hình ấy đã và đang khiến nhóm cty CK có giá rổ gần như bét nhất trên cái bảng xếp hạng 3 giá hàng ngày của 2 Sở. Ngay cả tui là thằng làm việc tại 1 cty CK, cũng có người bạn hỏi tui theo kiểu… thọc dao: dạo này cty cậu sao rồi, sống tốt không? Vậy với tình hình kinh doanh nói chung bi đát thế, liệu cty CK nào sẽ phá sản đây?


Tui nghĩ câu trả lời đối với chính tui là… chả biết. Cty tui đang có vấn đề, tui chả nói dối. Khối cty CK có vấn đề, kể cả cty lớn, cực lớn. Lãnh đạo cty có nói tốt đến mấy cũng chưa chắc NĐT đã tin. Tui làm trong ngành này lâu tui càng không tin. Tuy nhiên, có vấn đề với phá sản ở xứ mình lại là 2 chuyện hơi bị khác nhau.
Theo Luật phá sản thì “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản“. Định nghĩa này hàm ý rằng nếu cty làm ăn thua lỗ nhưng chủ yếu là gặm nhấm tiền nhà chứ không đi vay thì có lẽ vẫn không sao, còn ngược lại nếu cty đang làm ăn có lãi nhưng cái lãi ấy lại dựa vào đòn bẩy là vay nhiều, gặp hôm tối trời bỗng dưng… không trả được nợ đến hạn thì chủ nợ có quyền lên Tòa xin 2 chữ phá sản mang đến cho con nợ thân yêu.
Đang có lãi liệu có gặp cảnh không trả được nợ không? Có thể lắm chứ, nếu cái doanh thu và lãi ấy là ảo, nếu NĐT kẹt hàng, nợ margin không trả nổi, nếu tự doanh kiêm đội lái đánh hàng hai tay mãi mà không chuyền được cho kẻ khác… cuối cùng khiến cho dòng tiền không về kịp lúc trả nợ. Chủ nợ nhỏ thì không sao, gặp phải tình huống cục nợ to bằng 1 hoặc 2-3 lần cái vốn tự có của cty CK thì chủ nợ có quyền tương ngay đơn lên Tòa lắm chớ.


Như vậy, phá sản là tính huống liên quan đến nợ, chứ không hẳn lỗ là phải phá sản, cho dù thường hai cái này đi liền nhau. TRI có dạo làm ăn âm cả vào vốn tự có mà có phá sản đâu? DVD theo BCTC quý 4 (chưa hợp nhất) nợ nhiều, chủ doanh nghiệp tai tiếng (nên chắc đối tác làm ăn bỏ hết), doanh số giảm, nguy cơ lỗ cao… nhưng vốn đã đến mức âm như TRI chưa mà tại sao phá sản? Các cty CK cũng có nhiều đặc điểm giống 1 trong 2 ví dụ nói trên, liệu cty nào sẽ phá sản đây?


Nếu nhìn vào bảng cân đối kế toán của nhóm CK, bạn sẽ thấy đa phần nợ nhiều, có cty sắp đạt mức tối đa theo quy định (gấp6 lần vốn tự có), lại chủ yếu là nợ ngắn hạn… Trong tình hình siết tín dụng phi sản xuất và chứng trường khó khăn như bây giờ (tự doanh thì chả dám vung tiền mạnh tay như trước, doanh số môi giới nuôi được tụi môi giới cũng đã là mừng…) thì lấy đâu nguồn thu, lấy đâu ra dòng tiền đắp vào trả nợ đây? Nhiều cty có thể coi là lâm vào tình trạng phá sản hết ráo. Tuy nhiên, nếu cứ nói fair như vậy thì chứng trường mình sập mất. Điều quan trọng nhất ở đây là nên xem lại trong từng trường hợp rủi ro cụ thể, chủ nợ và “mẹ” cty CK là ai.


Ở xứ ta, rất nhiều cty CK là con của các ngân hàng, con của các tập đoàn. Bạn thử thống kê giùm tui xem liệu có bao nhiêu cty CK không có tập đoàn, không có ngân hàng… nói chung là không có bigmama chống lưng? Có đấy, nhưng không nhiều đâu. Có mẹ to như thế, tiền vay được cũng đa phần là nhờ vào mẹ. Mẹ không cho vay thì cũng nói 1 tiếng để con được vay ai đó dễ dàng. Đế khi gặp khó khăn trả nợ, việc thương lượng để giãn nợ, hoãn nợ, đảo nợ… cũng sẽ dễ hơn nếu có mẹ chen vào. Con dại cái mang mà.


Nếu là con ngân hàng thì khó mà phá sản, ít ra là tại thời điểm này (chứ mấy năm nữa cứ lạm phát liên tục hai con số như vầy chắc đứt hết). Lỗ lớn như SHS, SBS… cũng chưa chắc phải phá. Tái cấu trúc, cải tổ và chờ thời sẽ là cách được ưu tiên nhất. Nên nhớ rằng “thắng thua là chuyện thường của nhà binh”, cty CK có tự doanh âm thì cũng sẽ có ngày bại binh phục hận. Chứng trường vốn mang nặng tính cơ hội, cty CK lại được phép tự doanh lướt sóng, tháng vừa qua nhiều cp giá rổ tăng trần liên tục, nếu tự doanh kheo khéo có khi lại giảm được nhiều lỗ và dần phục hồi. Cho dù lúc này ktế xấu, chứng trường kém, nhưng sau cơn mưa trời ắt sáng, đó là lý do mà nhiều cty chấp nhận co, xấu kiểu gì cũng ráng mà co để mong có ngày lại được duỗi bung ra.


Ngoài ra, tui nghĩ cũng có thể báo NCĐT nói đúng khi cho rằng có cty CK đang chờ cái ngày 01/01/2012 để được bán cho nước ngoài. Khả năng đó là có thực, vấn đề là phải ráng làm sao cho sạch nợ. Nợ nhiều quá, đối tác tiềm năng họ cũng chê, chuyển qua… cty CK ít nợ hơn. Quan trọng nhất là đừng có làm bậy để các ngân hàng chủ nợ nổi giận viết cái đơn lên Tòa.


Nói chung đây là vấn đề bất cập, nhạy cảm, là câu hỏi rất dễ… bỏ ngỏ. Mọi chuyện đành… để mai tính. Tùy từng cty, lúc nào trời kêu, ah không, Tòa kêu thì mới dạ.