Không hề có một giải pháp cụ thể nào cho thấy, tín dụng cho chứng khoán và bất động sản sẽ tăng lên.

Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 13/2 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012 khiến TTCK liên tục đảo chiều trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Không hề có một giải pháp cụ thể nào cho thấy, tín dụng cho chứng khoán và bất động sản sẽ tăng lên, nhưng Chỉ thị 01 vẫn có khả năng tác động tích cực đến TTCK, vì những mục tiêu của chính sách tiền tệ rất rõ ràng, giải pháp thực hiện cụ thể và toàn diện cho điểm yếu của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng cào bằng, thị trường vàng...

Nỗi lo lớn nhất là sự đổ vỡ của một số ngân hàng nhỏ sẽ hệ lụy đến cả hệ thống đã được dẹp bỏ khi NHNN khẳng định “triển khai từng bước lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém theo phương châm thận trọng, đảm bảo sự ổn định của toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp”.

Chỉ thị 01 cho thấy, NHNN đã kiểm soát được tình hình tài chính tiền tệ có lộ trình giải quyết những yếu kém của hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính hiện nay.

Vững tin hơn, nhưng giữ sự thận trọng cần thiết, không hồ hởi quá mức là những gì mà giới đầu tư và doanh nghiệp cảm nhận được sau khi đọc Chỉ thị này.

Ghi nhận của ĐTCK ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp niêm yết cho thấy, mặc dù một số doanh nghiệp được vay với lãi suất thấp nhất thị trường là 16%/năm và một nhóm khác hiện vay với lãi suất 18%/năm, nhưng đang có nhiều DN phải chịu lãi suất vẫn cao, ở mức trên 19%/năm. Không một doanh nghiệp nào cảm nhận là vay vốn dễ dàng, kể cả khi họ chấp nhận lãi suất tăng thêm 2% nữa.

Một số doanh nghiệp làm thương mại thì cho biết, hạn mức vay bị cắt giảm rất lớn. Thực tế đó cho thấy, các ngân hàng đang sàng lọc khách hàng để cho vay. Lãi suất cao không quan trọng bằng đối tượng vay. Mục tiêu định hướng vốn tín dụng vào sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động của Chính phủ đã và đang được thực hiện.

Điểm sáng tích cực trên TTCK là một số doanh nghiệp niêm yết từng lao đao giai đoạn suy giảm kinh tế 2008, sau thời gian tái cơ cấu, đã bắt đầu ổn định và tăng trưởng trở lại như REE, HSG, CII...

Nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản đến giờ mới thực sự ngấm đòn siết tín dụng. Bán lỗ dự án hay chấp nhận bị thu hồi dự án, chịu lỗ chi phí lập dự án đã bỏ ra là điều nhiều chủ đầu tư buộc phải làm trong năm nay, vì không thể cầm cự tiếp. Thua lỗ của doanh nghiệp bất động sản vẫn là tảng băng ngầm khó định lượng.

Trong khi đó, mỗi gia đình đều khắt khe hơn trong chi tiêu, ưu tiên cho nhu cầu thiết yếu. Tiềm lực tài chính của NĐT chứng khoán cũng suy giảm trông thấy vì thua lỗ và giá trị tài sản là bất động sản giảm mạnh.

Sức khỏe nền kinh tế vẫn đang ở thế bấp bênh giữa tiếp tục xấu đi và tốt hơn. Thuốc cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định hơn đã có, nhưng phác đồ điều trị kéo dài lại mới bắt đầu được thực hiện.

Chỉ thị 01 của NHNN giúp NĐT vững tin hơn vào công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng, nhưng điều đó lại đồng nghĩa với việc tiền sẽ không chảy ngay vào TTCK. Thông điệp vực dậy TTCK từ Bộ Tài chính, Chính phủ sẽ tiếp tục chịu thử thách và áp lực, ít nhất là cho đến khi NHNN cởi mở hơn dòng tín dụng chảy vào thị trường này.

Thu Hương