Từ trước đến giờ, điều kiện “phải có lãi mới được phép chào bán chứng khoán ra công chúng” áp dụng với doanh nghiệp hầu như được coi như là mặc định, là đương nhiên phải thế.
Tuy nhiên, trong lần thảo luận ở tổ về Luật Chứng khoán sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội hiện tại, một số đại biểu Quốc hội lại yêu cầu ngoại lệ cho các tổ chức tín dụng, tức là các tổ chức này nếu lỗ vẫn được phép phát hành đại chúng.
Điều này khiến người ta đặt ra câu hỏi là: tại sao cứ phải có lãi mới được phát hành đại chúng?
Phát hành cổ phiếu là chuyện thường tình ở loại hình công ty cổ phần. Khi công ty cần vốn từ cổ đông và nhà đầu tư (thay cho việc đi vay), công ty sẽ tiến hành phát hành thêm cổ phiếu. Khi công ty đến kỳ trả cổ tức nhưng đang cần tiền, công ty có thể phát hành cổ phiếu trả cổ tức, thay cho tiền mặt.
Thậm chí, khi công ty muốn chia các khoản thặng dư và các quỹ cho cổ đông, công ty phát hành cổ phiếu thưởng. Trừ loại hình phát hành cổ phiếu để trả cổ tức đòi hỏi khoản mục lãi chưa chia phải dương, các dạng phát hành còn lại nếu xét từ cách làm thì không phụ thuộc vào khoản mục lãi chưa chia này. Tuy nhiên, nếu xét theo quy định thì ngược lại.
Có thể trước đây ít ai nghĩ đến trường hợp công ty lên sàn (niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán), nhưng chẳng may thua lỗ và phải “cầu viện” thêm vốn, tức là phát hành thêm để tồn tại (nếu chú ý thì bạn sẽ thấy chỉ có quy định trường hợp thua lỗ thì... hủy niêm yết).
Vụ Tribeco lâm vào tình cảnh khó khăn, phải nhờ đến vốn của một số cổ đông lớn có lẽ là kinh nghiệm thực tế đầu tiên, nhưng tiếc là phát hành riêng lẻ (không vi phạm quy định của Nhà nước về điều kiện phát hành đại chúng) nên không mấy ai chú ý đến.
Vậy nên hiểu hai từ “đại chúng” và “riêng lẻ” như thế nào? Theo cách hiểu thông thường thì phát hành đại chúng là rộng rãi cho công chúng, còn phát hành riêng lẻ là cho một số lượng rất hữu hạn cổ đông mới. Nếu một công ty niêm yết phát hành cho cổ đông mới như tổ chức khác thì ta có thể hiểu là phát hành riêng lẻ, chứ nếu phân biệt riêng lẻ hay đại chúng theo khoản 12, Điều 6 của Luật Chứng khoán hiện tại còn chung chung, thiên về đong đếm chứ không đi vào bản chất. Phát hành cho 99 người hay 100 người thì có gì khác nhau?
Không hẳn có lãi thì phát hành mới dễ thành công. Phải chăng nếu công ty đang làm ăn thua lỗ thì có lẽ nhà đầu tư sẽ né cổ phiếu của họ ra? Có thể như thế, nhưng không phải là tất cả. Các tổ chức đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty tài chính chuyên làm M&A... cũng có thể nhòm ngó những trường hợp này, nếu thực sự công ty đó có tiềm năng hồi phục.
Thậm chí ngay cả những trường hợp thua lỗ không phải do hoạt động chính, ví dụ như trường hợp KDC, REE lỗ trước đây do đầu tư tài chính thì không hẳn là điều tệ hại về dài hạn (vì trên thực tế còn có người canh mua những cổ phiếu này khi giá rớt đến đáy).
Phát hành là huy động tiền cho việc kinh doanh, do đó không nên phụ thuộc vào việc đang lời hay lỗ. Tribeco là trường hợp hay của việc tăng vốn. Năm 2009, Tribeco rơi vào tình trạng vốn chủ sở hữu âm, do kinh doanh thua lỗ kéo dài và đầu tư mới, chưa thể hoàn vốn. Tuy nhiên, vấn đề lúc đó không phải là bao lâu nữa công ty sẽ phá sản, mà là lấy vốn đâu để có thể phục hồi. Phát hành đại chúng (cho cổ đông hiện hữu cũng bị coi là đại chúng rồi) thì không được phép, chỉ có phát hành riêng lẻ. Mà TRI phát hành riêng lẻ hay đại chúng thì cũng cho cổ đông hiện hữu cả.
Nói chung, công ty cần vốn thì mới phát hành, cho nên để được phép phát hành, công ty phải minh bạch tình hình hoạt động, phải công bố chi tiết kế hoạch dùng tiền như thế nào và quan trọng nhất là... được các cổ đông và nhà đầu tư chấp nhận. Nên chăng, luật chỉ cấm các trường hợp xin phép phát hành chung chung như tăng vốn điều lệ (nếu công ty không thuộc nhóm ngành có những ràng buộc liên quan đến vốn điều lệ như ngân hàng hay chứng khoán), phát hành theo bầy đàn (thị trường đang có phong trào phát hành thì ta cũng phát hành, chả cần có nhu cầu, dự án gì cụ thể cả), còn nếu có mục tiêu, có phương án cụ thể thì không nên cấm.
Lời hay lỗ cũng chỉ là một nội dung trong việc minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh, không nên nghiêng về bên nào để cho là có minh bạch hơn. Nếu cổ đông góp thêm tiền để cứu công ty của mình (như trường hợp của TRI) thì cũng đáng để được phép phát hành.

http://www.sieucophieu.com/chung-kho...dai-chung.html