Từ trước tới nay, các NĐT tham gia TTCK với kỳ vọng thu được lợi nhuận đến từ hai nguồn: tăng giá cổ phiếu và cổ tức.
LQH là một NĐT ở Tp. HCM. Đã hơn một tháng nay, anh không xuống lệnh mua bán dù cơ cấu tiền mặt và cổ phiếu đang khá cân bằng.
Phiên giao dịch cuối tuần trước, thị trường tăng điểm khá nhưng anh vẫn ngao ngán nhìn bảng điện chép miệng: “Một nửa danh mục xê e (CE) nhưng phải thêm năm phiên nữa mới đến giá vốn. Kẹp rồi thì còn cổ tức...” Dù vậy, lựa chọn của anh vẫn có thể rơi vào “bẫy” cổ tức.
Mối quan tâm khi thị trong trầm lắng
Hiện tại, rất ít CTCK tư vấn cho khách hàng giao dịch ngắn hạn. Lướt qua bản tin của các CTCK, có thể thấy sự thận trọng tối đa. Các khuyến nghị đều khá giống nhau như tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt với tầm nhìn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ, email của một CTCK gửi cho khách hàng hai phiên giao dịch cuối tuần trước viết: “Khuyến nghị mua DSN, vùng giá 20.000- 22.000 đồng cho mục tiêu ngắn hạn. Giá kỳ vọng trong 3 đến 6 tháng tới là vượt 30.000 đồng. Trong trường hợp xấu nhất, NĐT vẫn được hưởng cổ tức”.
Bên cạnh việc đánh giá hoạt động của DSN “khá ổn”, CTCK này phát hiện ra một yếu tố thú vị về tân binh trên sàn HOSE. Năm 2010, Công ty có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt 28% theo mệnh giá. Tính ra vùng giá mua theo khuyến nghị, tỷ suất cổ tức/thị giá của DSN là 13-14%, cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng.
Từ trước tới nay, các NĐT tham gia TTCK với kỳ vọng thu được lợi nhuận đến từ hai nguồn: tăng giá cổ phiếu và cổ tức.
Trong bối cảnh giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh 3 tháng gần đây, rất ít NĐT thu được hay bảo toàn lợi nhuận từ nguồn thứ nhất. Vì vậy, cổ tức tiền mặt được xem là niềm an ủi với một số NĐT dài hạn bất đắc dĩ như LQR..
Ở một thái cực khác, chỉ còn hai tháng nữa là năm 2010 khép lại, một số NĐT quan tâm đến các cổ phiếu có mức trả cổ tức khá, “nhất cử lưỡng tiện” trước mắt được hưởng cổ tức và có khả năng kiếm chênh lệch giá nếu thị trường bất ngờ phục hồi...
Mới đây, khi CTCP Sao Mai An Giang (ASM) công bố kế hoạch về phát hành thêm và trả cổ tức 50%, ngay lập tức, giá ASM tăng trần cho thấy sự quan tâm của thị trường với các cổ phiếu có cổ tức cao.
Cổ tức càng trở thành mối quan tâm hàng đầu với các NĐT dài hạn. X là một công ty khoáng sản niêm yết trên HOSE.
9 tháng đầu năm, X công bố lãi ròng 97,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ 107 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt trên 9.000 đồng. Theo kế hoạch năm 2010 được ĐHCĐ phê duyệt, Công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông với tỷ lệ 25%, tuy nhiên, con số này rất có thể thay đổi.
Trong tuần này, một số cổ đông lớn của X sẽ đến DN và trình bày nguyện vọng muốn nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt lên tối thiểu 40%.
Lý do là năm 2010, X có thể vượt 20% kế hoạch lợi nhuận, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt tới 12.000 đồng, không lý gì, DN làm ăn tốt, lợi nhuận tăng đều qua từng năm, tiền mặt dồi dào lại không “chia lửa” với cổ đông trung thành trong giai đoạn khó khăn.
80% số cổ phần của DN này thuộc về các NĐT tổ chức như CTCK hay quỹ đầu tư bởi vậy, chắc chắn, tiếng nói của các cổ đông này sẽ có “sức nặng”.
Có “bẫy” cổ tức?
Báo cáo mới đây của ước tính 471 CTNY có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2010 với tổng số tiền là 28.000 tỷ đồng, trong đó, đã thực hiện hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có tới 30 CTNY có kế hoạch trả cổ tức cao (25% mệnh giá, tương đương 2.500 đồng/cp) nhưng con số chi sẽ vượt thu nhập trên mỗi cổ phiếu năm 2010.
Báo cáo này lưu ý một số DN đã không công bố rõ ràng về việc trả cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu, trên bình diện chung, mức cổ tức năm 2010 sẽ khá thấp và khuyến nghị NĐT quan tâm đến chính sách trả cổ tức của cổ phiếu mình nắm giữ.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Kinh Luân. Trưởng Bộ phận nghiên cứu của nhận xét, việc “nhắm mắt” mua cổ phiếu được hứa hẹn trả cổ tức cao không phải là hành động khôn ngoan. Chẳng hạn, một cổ phiếu có thị giá 100.000 đồng, DN cam kết trả cổ tức bằng tiền mặt 30% mệnh giá. Thực tế, NĐT chỉ nhận được 3.000 đồng, tỷ suất lợi nhuận 3%, con số rất thấp so với lãi tiền gửi ngân hàng.
Ông Luân đưa ra một lưu ý khác là không phải DN niêm yết nào cũng có khả năng hoàn thành kế hoạch và thực hiện trả cổ tức đúng như cam kết. Để không ăn phải “bánh vẽ”, NĐT nên quan tâm đến nguồn tiền để trả cổ tức - việc phân tích dòng tiền trên báo cáo tài chính.
Nhận xét này có lý khi đã có DN đặt kế hoạch cổ tức ở mức khá nhưng mới đây đã xin điều chỉnh giảm. Đó là trường hợp của CTCP Chiếu xạ An Phú (APC). Sau 9 tháng, APC mới hoàn thành hơn 40% kế hoạch lợi nhuận, nên xin điều chỉnh giảm 38% kế hoạch, đồng thời, cổ tức cũng hạ từ mức 25% xuống còn 18- 20%.
NĐT cũng hoài nghi về khả năng thực thi của một số DN khác khi đề ra kế hoạch trả cổ tức rất cao nhưng sau 3/4 thời gian của năm, DN mới chỉ hoàn thành chưa được 30% kế hoạch.
Ở góc nhìn khác, bà Hoàng Thị Hoa, trưởng bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt đánh giá, cổ tức chỉ có ý nghĩa khi gắn với đầu tư dài hạn. Việc nắm cổ phiếu trả cổ tức cao trong ngắn hạn tỏ ra không hợp lý trong giai đoạn hiện nay, vào ngày chốt quyền, giá cổ phiếu sẽ bị giảm tương ứng, khả năng phục hồi ngay sau đó không chắc chắn do thị trường đang khá yếu. Có thể, sau khi điều chỉnh kỹ thuật, giá nhiều cổ phiếu tiếp tục đi xuống trong ngắn hạn.

http://www.sieucophieu.com/so-tay-ch...yq-co-tuc.html