<a href="http://www.sieucophieu.com/images/stories/27/img4ccbdfbe7e014=198" onclick="return hs.expand(this)"></a>
Giá nhiều cổ phiếu sau chu kỳ giảm đã lùi về mức của 2-3 tháng trước, được giới phân tích đánh giá là cơ hội vàng để mua vào sang năm hưởng lợi. Song, không mấy nhà đầu tư ngó ngàng đến việc giải ngân lúc này.


Những phiên giao dịch dưới 30 triệu hiện không còn hiếm ở sàn TP HCM như cách đây một tháng. Giá trị chuyển nhượng thay vì ổn định trên 1.000 tỷ đồng, thì từ đầu tháng 10 đến nay chỉ mới 4 phiên chạm đến ngưỡng này. Thanh khoản trên sàn Hà Nội còn ít ỏi hơn, khi lượng mua bán có phiên chỉ nhỉnh hơn 300 tỷ đồng một chút, bằng một phần ba, một phần tư của 4 tháng trước.
Cơ hội kiếm lời thu hẹp lại, số nhà đầu tư đến sàn để bình luận, chia sẻ thông tin lẫn nhau cũng thưa thớt. Có sàn chứng khoán chỉ lác đác vài nhà đầu tư theo dõi diễn biến giao dịch. "Nhiều khách ruột gắn bó với sàn nhiều năm cũng bữa đến bữa không chứ không thường xuyên như trước", môi giới một công ty chứng khoán ở TP HCM cho biết.
Tuy nhiên, số nhà đầu tư đến sàn nhiều hay ít không phải là yếu tố quyết định đến doanh thu của các công ty. Bởi có nhiều người chọn giao dịch qua online, điện thoại vì những tiện ích của nó. Song, ngay cả hình thức này, theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC: "Cũng đã giảm mạnh trong tháng nay".
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cũng đến sàn, nhưng vắng những tiếng cười, những lời bình luận sôi nổi nên mua con này con kia, cổ phiếu này sắp tăng giá, mã nọ chuẩn bị có sóng... Như chia sẻ của anh Hoàng, nhà đầu tư ở sàn Bảo Việt: "Gần 2 tháng nay vẫn chưa dám mua thêm, nhất là khi nhiều cổ phiếu nắm giữ cứ liên tục đi xuống".
Việc đến sàn duy trì như thói quen hàng ngày, nhưng không giống như trước là có mua có bán, thay vào đó anh chọn giải pháp án binh bất động và cũng chưa thể biết khi nào nhập cuộc lại. Mặc khác, với nguồn tài chính có hạn, nhà đầu tư không thể cứ mua vào mãi những lúc thị trường giảm mà cần khoanh vùng cụ thể, đặt ra giới hạn rõ ràng. Thế nhưng, diễn biến hiện tại chưa có gì đảm bảo, hậu thuẫn cho thị trường đi lên nên lực cầu vẫn dè chừng.
Ông Tuấn chia sẻ: "Nhiều nhà đầu tư rỉ tai nhau mua lúc này là chết cho nên ít ai dám giải ngân. Lực mua hiện nay chủ yếu là những người gạo cội, chinh chiến nhiều năm, chứ không có bóng dáng của giới đầu tư lướt sóng. Còn để thu hút những người mới cũng không hề dễ dàng, bởi đối tượng này do ít kinh nghiệm nên thường theo đám đông. Mà khi đám đông rút lui cố thủ thì họ cũng không dám oanh tạc".
Nguồn thu từ phí môi giới, tự doanh sụt giảm, một số công ty chứng khoán lên kế hoạch thắt lưng buộc bụng. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở quận 1 tiết lộ việc tuyển nhân sự cũng phải dè dặt hơn và chỉ tuyển ở những vị trí thật cần thiết. Còn nhân viên môi giới kiêm nhiều thứ: tìm kiếm, chăm sóc và giữ khách hàng..., chứ không chỉ đơn thuần chờ khách hàng đến mở tài khoản giao dịch như trước. "Giao dịch ảm đạm chưa biết kéo dài đến khi nào, nên công ty phải có đối sách, tiết giảm chi phí để gắng gượng qua giai đoạn này", ông chia sẻ.
Dù khá nhiều ý kiến nhận định P/E cổ phiếu ở mức hấp dẫn để mua vào, giá chứng khoán Việt Nam rẻ so với các nước trong khu vực và là cơ hội tốt cho đầu tư trung dài hạn, nhưng giá trị giao dịch qua mỗi phiên không có dấu hiệu cải thiện. "Không phải nhà đầu tư, nhất là khối ngoại, chờ giá cổ phiếu rẻ hơn nữa mới mua vào. Điều mà họ lo lắng là những bất ổn từ vĩ mô khiến nguồn tiền vào thị trường hạn chế", lãnh đạo công ty này chia sẻ.
Theo ông Andy Ho, Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital: "Đa số khoản đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán là các nhà đầu tư tổ chức. Họ luôn tìm kiếm các khoản mua tốt trong dài hạn. Cổ phiếu của các công ty blue-chip có mức giá thấp tạo nên cơ hội cho các nhà đầu tư này".
Dù nhà đầu tư ngoại cũng băn khoăn về lạm phát, chính sách tiền tệ, nhập siêu... của Việt Nam, song theo đại diện VinaCapital, đây chỉ là rủi ro ngắn hạn, cần phân tích cho nhà đầu tư rõ. Bởi nếu nhìn về lâu dài thì việc giải ngân hiện nay là hoàn toàn thích hợp.
Cơ sở chứng minh, theo ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital là tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể 6,5% trong năm nay cùng với mức tăng lợi nhuận các doanh nghiệp 10-15%, khối ngoại liên tục mua ròng. Mặc khác, số nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tham dự hội nghị để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam thông qua VinaCapital có xu hướng tăng dần qua các năm nên theo ông Don Lam: "Sẽ có nhiều khoản đầu tư lớn đến Việt Nam trong năm tới và tương lai gần".
Dẫu vậy, hiện tại dòng tiền vào thị trường vẫn còn hạn chế và chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Theo giới phân tích, đầu tư ngắn hạn, đánh nhanh thắng nhanh được nhiều người yêu thích. Cho nên, khi thị trường lặng sóng như hiện nay, nhà đầu tư không hào hứng nhập cuộc. "Năm sau chưa biết chuyện gì xảy ra, liệu giá cổ phiếu có tăng như kỳ vọng... nên việc bảo toàn vốn hoặc tạm chuyển sang kênh khác có vẻ chắc ăn hơn trong giai đoạn hiện tại", anh Thanh, nhà đầu tư ở quận 5 cho biết.

http://www.sieucophieu.com/chung-kho...ung-khoan.html