Hello and welcome to our community! Is this your first visit?
Kết quả 1 đến 3 của 3
  1. #1
    Ngày tham gia
    Oct 2017
    Bài viết
    0
    Vốn ngân hàng: Phòng thủ chồng chéo




    Việc phải trích dự phòng chung 0,75% trên tổng dư nợ là mấu chốt của câu chuyện vì sao không thể hạ lãi suất cho vay được
    <font face="Arial">Chính phủ chủ trương và chỉ đạo quyết liệt việc hạ mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cả thị trường tài chính lẫn doanh nghiệp đều chờ đợi một mức lãi suất hợp lý: huy động 10%/năm, cho vay 12%/năm, thậm chí thấp hơn.

    Các ngân hàng thương mại nỗ lực, kể cả dưới sức ép của một số biện pháp hành chính, giảm lãi suất tiết kiệm và cho vay, nhưng lãi suất vẫn chưa về mức kỳ vọng.

    Nguyên nhân chính là hàng loạt biện pháp phòng thủ trong trích lập dự phòng rủi ro mà Ngân hàng Nhà nước dựng lên nhằm bảo vệ sự an toàn của các tổ chức tín dụng từ nhiều năm nay đang khiến chi phí giá thành huy động vốn của ngân hàng tăng cao và lãi suất đầu ra không thể nào giảm được.

    Năm năm đã quá 86 ngày

    Một phần ba biên chế nhân lực của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành là cán bộ bộ phận thanh tra, giám sát. Hoạt động thanh tra rải đều hàng tháng, hàng quí tại các ngân hàng trên địa bàn.

    Một trong những vấn đề được thanh tra Ngân hàng Nhà nước xem xét kỹ nhất trong các cuộc kiểm tra là tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Điều này là xác đáng vì hiện nay tín dụng vẫn là hoạt động chủ lực của các ngân hàng. Các khoản cho vay, cho dù có tài sản thế chấp, vẫn phải phân loại theo từng nhóm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và trích lập dự phòng cụ thể tương ứng cho từng khoản vay đó.

    Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 quy định phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng, nợ cho vay của ngân hàng được phân ra làm năm nhóm với mức trích lập cụ thể từ 0-100% tùy mức độ rủi ro.

    Ngoài các mức trích cụ thể này, điều 9 của Quyết định 493 còn quy định rõ: “Các tổ chức tín dụng phải trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,75% tổng giá trị của các khoản nợ. Trong thời hạn tối đa năm năm kể từ khi quyết định này có hiệu lực, tổ chức tín dụng phải trích lập đầy đủ số tiền dự phòng chung”.

    Quyết định 493 được đăng công báo ngày 30/4/2005 và có hiệu lực từ 15/5/2005. Tính đến nay thời hạn tối đa năm năm quy định tại điều 9 nói trên đã là năm năm cộng thêm 86 ngày. Nghĩa là tất cả các tổ chức tín dụng đã phải trích thêm một khoản dự phòng chung 0,75% tổng giá trị các khoản nợ.

    Thí dụ nếu tổng dư nợ của một ngân hàng là 20.000 tỉ đồng, ngân hàng đó phải trích dự phòng chung 150 tỉ đồng. Nếu gọi các khoản dự phòng cụ thể cho từng khoản vay là phòng thủ cấp một, thì dự phòng chung 0,75% là phòng thủ cấp hai mà không ngân hàng nào không phải thực hiện.

    Tiền “chết”

    Dự phòng chung, theo định nghĩa tại khoản 2, điều 2, Quyết định 493 là “khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất chưa xác định trong quá trình phân loại nợ và trích lập dự phòng cụ thể và trong các trường hợp khó khăn về tài chính của tổ chức tín dụng khi chất lượng các khoản nợ suy giảm”. Điều 17 nói rõ: “Dự phòng chung và dự phòng cụ thể được hạch toán vào chi phí hoạt động của ngân hàng (đưa vào tài khoản “dự phòng rủi ro”)”.

    Như vậy, một khi được tính vào chi phí hoạt động, các khoản dự phòng chung và cụ thể là có lợi cho ngân hàng, bảo vệ ngân hàng khỏi bị rủi ro tối đa. Song cũng chính vì được phòng thủ chặt chẽ như thế, ngân hàng đâm ra bị bó tay. Thứ nhất, khi huy động vốn, ngân hàng phải trích một tỷ lệ nhất định đảm bảo dự trữ bắt buộc.

    Thứ hai khi cho vay phải trích dự phòng cụ thể từng khoản, nay thêm dự phòng chung là chồng chéo. Chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra của ngân hàng hiện đang rút ngắn dần, chỉ còn 1-2%/năm. Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, lãi suất cho vay tiền đồng bình quân của các ngân hàng trên địa bàn tháng 7/2010 là 13,91%/năm. Nay phải trích dự phòng chung 0,75% trên tổng dư nợ - đây chính là mấu chốt của câu chuyện vì sao ngân hàng không thể hạ lãi suất cho vay được!

    Ở một khía cạnh khác, thử tính số tiền trích lập dự phòng chung nằm bất động là bao nhiêu. Cuối năm 2009, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, theo nhiều số liệu tính toán, ước tính 1,76 triệu tỉ đồng. Tăng trưởng tín dụng bảy tháng đầu năm nay, theo Ngân hàng Nhà nước là 12,97%, như vậy tổng dư nợ của ngân hàng hiện khoảng 1,99 triệu tỉ đồng. 0,75% trích dự phòng chung của dư nợ nói trên là gần 15.000 tỉ đồng - một số vốn không nhỏ để đưa vào sản xuất - kinh doanh.

    Từ tháng 5/2010 trở về trước, các ngân hàng thường không trích đủ dự phòng rủi ro chung, lấy lý do là chưa đến hạn và họ đưa ra lộ trình trích lập. Chẳng hạn có ngân hàng đầu năm nay đã trích 0,5%. Một số ngân hàng trích ít hơn 0,3-0,4%. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng châm chước vì chưa đến hạn.

    Nhưng kể từ giữa tháng 5/2010, việc châm chước không còn nữa. Điều 20 của Quyết định 493 liệt kê rõ các hình thức xử lý nếu ngân hàng nào vi phạm, không trích lập đầy đủ dự phòng chung, trong đó có tăng trích lập dự phòng tương ứng với mức độ rủi ro của các khoản nợ và hạn chế tín dụng, mở rộng mạng lưới, nội dung hoạt động…

    Khi hoạt động tín dụng mang lại quá ít lợi nhuận, ngân hàng đã chuyển sang tăng cường giao dịch trái phiếu. Thực tế kinh doanh trái phiếu giờ đây cũng không mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng vẫn còn thuận lợi hơn tín dụng.

    Thời điểm thực hiện Thông tư 13/2010/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 20/5/2010 về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đang ngày một gần, từ ngày 1/10/2010. Các khoản cho vay chứng khoán và kinh doanh bất động sản chuẩn bị phải tính hệ số rủi ro tới 250% thay vì 100% như trước. Thông tư 13 sẽ là một hàng phòng thủ thứ ba cho sự an toàn của các ngân hàng. Hơn nữa, sự an toàn của các ngân hàng cần phải được nhìn nhận như thế nào một khi dòng vốn chảy từ đây vào nền kinh tế không suôn sẻ?

    Quyết định 493 ra đời đã hơn năm năm và trong thời gian đó đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, khiến những khái niệm an toàn tài chính cũng thay đổi. Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại cơ chế phòng thủ cho các tổ chức tín dụng, lược bớt sự chồng chéo để mặt bằng lãi suất có thể vận động theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như đòi hỏi của nền kinh tế.

    Hải Lý/TBKTSG
    </font>

  2. #2
    Guest
    Ông Lê Xuân Nghĩa nói về tỷ giá và rủi ro tài chính

    “Rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là vấn đề tiền tệ, cụ thể là vấn đề tỷ giá hối đoái, khi mà sức ép tỷ giá đang gia tăng từ nhiều phía” - Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

    Theo ông Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi thể hiện là tăng trưởng GDP đã đạt cao hơn trong quý 2/2010, xuất khẩu tăng nhanh, giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ… nhưng bên cạnh đó còn nhiều khó khăn: tồn kho cao, thu hút vốn FDI gặp khó khăn và thâm hụt thương mại đã gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

    Diễn biến lạm phát cũng cho thấy dấu hiệu ổn định. CPI tính chung 7 tháng đầu năm tăng 4,84% so với tháng 12/2009 và bình quân tháng tăng 8,67% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá lương thực tăng do thiên tai ở nhiều nước, và giá xăng dầu vừa được điều chỉnh tăng từ 9/8 song dự kiến trong hai tháng cuối của quý III/2010, giá cả chưa có đột biến xấu và lạm phát của tháng 8 và tháng 9 sẽ tăng khoảng 0,3%/tháng. Sang quý IV/2010, lạm phát có thể tăng cao hơn do yếu tố mùa vụ, tuy nhiên với tình hình phục hồi kinh tế thế giới năm 2010 và 2011 được dự báo còn nhiều khó khăn, cũng như tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn vướng nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ thì giá các nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu khó có biến động lớn, do đó lạm phát bình quân các tháng 10, 11, 12 sẽ chỉ xoay quanh mức 0,5%/tháng, CPI dự kiến chỉ khoảng dưới 8%.

    “Nút thắt” tín dụng

    Tính đến cuối tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động trung bình của 36 ngân hàng thương mại đã xuống mức 11,09%/năm và lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên đã giảm từ 0,5-1,5% so với quý 1/2010, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn dao động ở mức 12,5%/năm và cho vay trung, dài hạn mức 13-14%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức khá cao 15-16%/năm và về căn bản doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. “Đây cũng có thể coi là những nỗ lực của Chính phủ và ngân hàng trong quá trình giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư của khu vực doanh nghiệp và tư nhân. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế. Nếu tình hình này kéo dài, không được khắc phục kịp thời, sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định trong những tháng tới” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

    Tính tới hết ngày 31/7/2010, tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 12,97%, huy động vốn tăng 16,3%, trong đó tăng trưởng tín dụng bằng VND tăng 4% trong tháng 7/2010, đưa mức tăng trưởng của 7 tháng đầu năm lên 5,7% so với cuối năm 2009. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều hơn so với mức tăng trên 34% của tín dụng ngoại tệ.

    Theo ông Nghĩa, trong những tháng tới, tín dụng VND sẽ tiếp tục tăng khi khả năng tăng cho vay ngoại tệ hầu như không còn, và Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực đẩy mạnh hơn việc bơm vốn cho các ngân hàng thương mại qua thị trường mở theo chỉ đạo của Chính phủ.

    Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, hiện thị trường tín dụng vẫn tồn tại một số rào cản hành chính khiến cho mặt bằng lãi suất chưa thể giảm nhanh và mạnh như mong đợi. “Đây chính là những “nút thắt” không chỉ đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng mà còn là “nút thắt” cho tăng trưởng của cả nền kinh tế” – ông Nghĩa khẳng định.

    Cụ thể, với việc bơm tiền trên thị trường mở đều đặn trong 2-3 tháng qua khiến cho nguồn vốn trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) khá dồi dào nhưng các ngân hàng thương mại bị hạn chế dung vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng làm vốn tín dụng dẫn tới thiếu vốn cho vay và không thể tiếp cận vốn trên thị trường liên ngân hàng đang rẻ và dư thừa. Hệ quả là các ngân hàng này phải tìm mọi cách tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất có thể để tìm nguồn vốn trong khu vực doanh nghiệp và dân cư, kéo theo các ngân hàng khác cũng không thể hạ lãi suất huy động của mình để đảm bảo tính cạnh tranh do đó cả lãi suất huy động và cho vay đều không thể giảm nhiều và nhanh nư mục tiêu của Chính phủ.

    Không những thế, quy định này còn đẩy các ngân hàng thiếu thanh khoản vào tình thế tìm mọi cách lách luật để tồn tại, theo đó các ngân hàng thức hiện mức lãi suất huy động gần như bằng nhau cho tất cả các kỳ hạn, nhờ đó sẽ huy động được nhiều tiền gửi ngắn hạn và lách được quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn 30% tiền gửi ngắn hạn huy động cho vay trung và dài hạn.

    “Với biểu lãi suất như vậy, các ngân hàng thương mại có thể đẩy lãi suất thực lên cao hơn, bởi lẽ lãi suất thực phụ thuộc và kỳ hạn gửi và cách tính lãi chứ không phụ thuộc vào chỉ số phần trăm” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

    Ngoài ra các quy định tại thông tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động, ông Nghĩa cho rằng đã tạo ra những lo ngại về sự khan hiếm tín dụng trong những tháng tới.

    “Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn cố tiếp tục giữ những quy định thiếu thực tế như trên thì việc thực hiện mục tiêu đưa lãi suất về mức “vào 10 ra 12” chắc chắn sẽ càng khó khăn” - ông lưu ý.

  3. #3
    maxbuy_vmc Guest
    Sức ép tỷ giá

    Theo ông Nghĩa, tình hình tỷ giá USD trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm liên tục thay đổi và có nhiều điểm đáng chú ý: Cụ thể, trong suốt quý I/2010, thị trường ngoại hối thường xuyên căng thẳng với sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức lên đến trên 200 VND/USD.

    Sang quý 2, sức ép tỷ giá có dịu bớt và thậm chí nửa cuối quý 2, tỷ giá thị trường tự do liên tục thấp hơn thị trường chính thức. Cần lưu ý, đây là điểm trái quy luật và bất thường, chứ không phải dấu hiệu tích cực trong điều hành tỷ giá.

    Ông Nghĩa lý giải rằng, việc tỷ giá thị trường tự do thấp hơn thị trường chính thức phản ánh chênh lệch quá thấp giữa lãi suất cho vay bằng USD và VND, đã tạo ra một lượng cung ảo ngoại tệ rất lớn ra thị trường. Điều này không chỉ gây méo mó cung cầu ngoại tệ mà còn tạo ra những hệ lụy phức tạp trong điều hành tỷ giá giai đoạn sau.

    Đến tháng 7, sau hơn 2 tháng xoay quanh mức dưới 19.000 VND/USD thì tỷ giá USD đã có dấu hiệu đi lên. Việc tỷ giá thị trường tự do chuyển từ mức thấp hơn sang mức cao hơn tỷ giá chính thức là dấu hiệu tích cực cho thấy việc quy định hạn chế cho vay bằng ngoại tệ đã bắt đầu phát huy tác dụng và đang dần xóa bỏ được lượng cung USD ảo ra thị trường.

    Tuy nhiên, việc giá mua USD bằng giá bán và luôn chạm trần tại các ngân hàng thương mại thời gian qua cho thấy hiện tượng “bình ngưng” vốn rất phổ biến trên thị trường ngoại hối trong năm 2009 đã chớm có dấu hiệu quay trở lại, nó phải ánh tình hình ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại đã bắt đầu căng thẳng và có hiện tượng thu thêm phí ngầm trong hoạt động mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng này.

    Ông Nghĩa cũng dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là quý 4/2010, diễn biến tỷ giá USD sẽ khá phức tạp bởi cung cầu ngoại tệ có một số thay đổi nhất định do: nhập siêu trong 7 tháng đầu năm ở mức 7,355 tỷ USD tăng hơn gấp đôi so với mức 3,888 tỷ USD 7 tháng đầu năm 2009 và vẫn đang trong xu hướng tiếp tục tăng ở các tháng cuối năm do nhu cầu nhập máy móc, nguyên liệu, thiết bị tăng khi nền kinh tế phục hồi. Nhu cầu vay ngoại tệ đang có xu hướng giảm do lãi suất VND giảm nhẹ, trong khi lãi suất ngoại tệ tăng lên; mặt khác, các NHTM đang hạn chế dần cho vay ngoại tệ do lo ngại tỷ giá hối đoái thay đổi, vì vậy, nguồn cung ngoại tệ (ảo) có xu hướng giảm. Việc các doanh nghiệp đang có chiều hướng gom USD để trả nợ cũng đã đẩy tỷ giá tăng lên do đây là thời điểm mà các hợp đồng vay ngoại tệ đáo hạn (đối với các hợp đồng có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống) và chuẩn bị đáo hạn đối với cách hợp đồng trên 3 tháng. Yếu tố tâm lý cũng là một yếu tố quan trọng trong thời gian tới khi người dân cho rằng các doanh nghiệp sẽ cần mua gom ngoại tệ để trả nợ, do đó sẽ thúc đẩy người dân và doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ chờ giá lên. Xét trên khía cạnh chênh lệch lạm phát giữa hai nước Mỹ và Việt Nam, VND vẫn trong quỹ đạo mất giá so với đồng USD…

    Từ đó, ông Nghĩa đề nghị: NHNN cần tính toán, dự báo lượng bán ra can thiệp khi cần thiết, đặc biệt vào giữa quý III – thời điểm tăng đột ngột biến cầu về ngoại tệ cho nhập khẩu của các doanh nghiệp và các hợp đồng vay ngoại tệ đáo hạn, đồng thời có thể điều chỉnh nhẹ tỷ giá ngay trong quý III/2010 hoặc đầu quý IV/2010 khi có những tín hiệu rõ ràng hơn của thị trường hối đoái.

    Tóm lại, rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp phải trong trung hạn là vấn đề tiền tệ, cụ thể là vấn đề tỷ giá hối đoái, khi mà sức ép tỷ giá đang gia tăng từ nhiều phía như thâm hụt vãng lai lớn (chênh lệch giữa tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP rất lớn là 12%); tài sản có ngoại tệ ròng của hệ thống ngân hàng giảm mạnh; tỷ lệ vốn từ bên ngoài so với dự trữ ngoại tệ đã tăng từ 37% năm 2009 lên 80%, trong khi tỷ giá hối đoái kém linh hoạt và bị định giá quá cao so với tỷ giá thực….

    DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP


 

Các Chủ đề tương tự

  1. Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 18-01-2010, 03:18 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •