Việc cải tạo cảnh quan, môi trường ven sông được chính quyền và người dân Đồng Nai quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2000, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có chủ trương và chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị phối hợp xây dựng các giải pháp cải tạo cảnh quan và môi trường. Đây là vấn đề cấp thiết, góp phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng sạt lở bờ sông, phát triển đô thị và cải tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai.

Hiện trạng ven sông Đồng Nai trước khi thực hiện dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Ảnh: D.Đỗ Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, là một trong 4 dự án trọng điểm cải tạo cảnh quan, môi trường và chỉnh trang đô thị được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, dự án phân bố hơn 1,3 km, chạy dài từ Công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, phường Quyết Thắng, có diện tích hơn 8,4 hécta nằm dọc sông Đồng Nai. Trong đó, diện tích đất xây dựng nhà ở là 23,08%; phần còn lại gồm 76,92% là đất dành cho cây xanh, công viên, đường giao thông và các tiện ích công cộng.

Hiện tại, đa số người dân ở khu vực đình Phước Lư thuộc KP.2, phường Quyết Thắng khẳng định, đây là dự án cần thiết phải thực hiện bởi thời gian qua, đoạn sông này ngày càng bị sạt lở nghiêm trọng, về lâu dài người dân trong khu vực có nguy cơ mất đất, trôi nhà. Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến các giai đoạn của quá trình xây dựng công trình đến được với người dân còn ít khiến họ không khỏi băn khoăn, nhất là những trường hợp bị giải tỏa.

Công tác quan trắc được kiểm tra thường xuyên

Ngoài chương trình giám sát chất lượng môi trường không khí, chất lượng nguồn nước mặt, môi trường thủy sinh và môi trường bùn đáy, trong quá trình xây dựng chủ đầu tư dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai thực hiện chương trình quan trắc định kỳ, thường xuyên để quan sát nhằm phát hiện ngay sự xói mòn hoặc sạt lở và biến đổi đường bờ của khu vực công trình cũng như vùng phụ cận.

Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đang được thực hiện giai đoạn 1 (từ cuối năm 2014 đến 2016). Theo đó, tập trung xây dựng các hạng mục công cộng, như: các tuyến kè ven sông, công viên cây xanh, đường giao thông, quy hoạch lại nhà ở ven sông...

Với mục tiêu cải tạo, bảo vệ bờ sông và cảnh quan không gian kiến trúc, đồng thời kết nối các công trình ven sông Đồng Nai, diện tích công viên, cây xanh rất được chú trọng. Vì thế, dự án dành hơn 70% quỹ đất để xây dựng hạ tầng, công trình công cộng, như: quảng trường trung tâm, đường giao thông, công viên cây xanh... Hiện tại, các hạng mục được ưu tiên thực hiện, là: xây dựng các tuyến kè ven sông, mở đường ven sông song song đường Cách Mạng Tháng Tám hiện hữu; kiến tạo các trục đường song hành kết nối các phân khu, tăng diện tích đường giao thông nội đô; xây dựng công viên dọc bờ sông, góp phần định hình các thiết chế văn hóa đường phố.

Điều đáng lưu ý là đối với các công trình, di tích có giá trị giáo dục, văn hóa, lịch sử nằm trong khu vực này sẽ được giữ nguyên; đồng thời tôn tạo, mở rộng để tạo thành điểm nhấn đối với các cơ sở có giá trị văn hóa, lịch sử, như: Trường tiểu học Nguyễn Du, Phụng Sơn Tự, đình Phước Lư… Về thiết kế tổng quan công trình, sẽ tiến hành giải tỏa đối với một số hộ dân để xây dựng công trình giao thông đấu nối với đường chính. Các trường hợp này được đền bù và bố trí tái định cư theo quy định của Nhà nước về thu hồi đất.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) thực hiện được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1508/QĐ-UBND tỉnh ngày 27-5-2014, nêu rõ: Vận tốc mặt dòng chảy khi xây dựng công trình chỉ vào khoảng 0,1-0,15m/s, cho thấy bờ kè có hệ số nhám mái bờ cao hơn nên dòng chảy được giảm xuống. Do đó, dự án không làm thay đổi chế độ thủy lực dòng sông.

Trong tháng 9-2015 dự án sẽ hoàn thành đường bờ kè dọc sông Đồng Nai, đoạn từ công viên Nguyễn Văn Trị đến đình Phước Lư dài 1,3km. Riêng công viên - quảng trường trung tâm có chiều rộng 90m, chiều dài 220m được thiết kế những mảng xanh phù hợp mang dáng dấp biểu trưng của TP.Biên Hòa, trong đó cây dầu sẽ là loại được chọn trồng ở nhiều điểm thích hợp. Hiện tại, do trạm nước thô thuộc Xí nghiệp nước Biên Hòa chưa di dời nên phần diện tích công viên này chưa được thi công. Tuy nhiên, theo kế hoạch trong năm 2015 sẽ chuyển trạm nước thô hiện tại đến vị trí mới sau khi xây dựng một trạm mới hiện đại ở phần giữa sông, có công suất 2.400m3/giờ, tương đương 51-55 ngàn m3/ngày đêm…

Có thể thấy, nếu dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai không được thực hiện, không biết bao giờ TP.Biên Hòa mới có một công trình xứng tầm với yêu cầu của một thành phố loại I trong tương lai. Chính vì vậy, rất nhiều người đang kỳ vọng một khi dự án được xây dựng hoàn tất từng giai đoạn thì nơi đây sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Đây chính là những tiện ích mà người dân được hưởng lợi...

Báo Đồng Nai