Hello and welcome to our community! Is this your first visit?
Kết quả 1 đến 5 của 5
  1. #1
    Guest

  2. #2
    Guest
    Nỗi đau mang tên SGO!
    Cổ phiếu SGO của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (HNX: SGO) – đơn vị gián tiếp sở hữu 2 thương hiệu dầu thực vật “Tràng An” và “Bếp Việt”, đã bay mất hơn 2/3 giá trị sau hơn nửa năm niêm yết. Thị trường đã hoài nghi về những hoạt động của Công ty.

    Chào sàn vào cuối năm 2015 tại mức giá 14,500 đồng/cp, sau đó cổ phiếu SGO liên tục sụt giảm. Tính đến phiên ngày 12/07, thị giá của SGO đang quanh mốc 3,200 đồng/cp, giảm 74% so với thời mới niêm yết.

    SGO có thanh khoản tương đối trên HNX, khối lượng giao dịch bình quân ở mức gần 590,000 cp/phiên kể từ khi lên sàn đến nay, có những phiên đột biến lên gần 4.5 triệu cp. Tuy nhiên, một tháng gần đây thanh khoản bình quân chỉ còn gần 285,000 cp/phiên.
    Thị giá cổ phiếu SGO từ khi niêm yết

    Trước lên sàn, SGO có 171 cổ đông, gồm 2 tổ chức và 169 cá nhân và đặc biệt là trong danh sách không hề có cổ đông lớn (cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ). Cần nhìn lại rằng, sau hai lần tăng vốn điều lệ 200% rất chóng vánh trước thềm niêm yết, SGO vẫn chỉ có 5 cổ đông. Sau đó, phần lớn số cổ phần của 5 cá nhân này được sơ tán thành 171 cổ đông. Các thành viên trong HĐQT cũng giảm mạnh tỷ lệ sở hữu, từ cổ đông nắm giữ 10% vốn xuống còn cùng một mức 2.6%, riêng ông Lê Thiên Thạch đã giảm sở hữu từ 60% xuống còn 2.7%.

    Theo đó, sau niêm yết, không những lượng vốn cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông nội bộ còn lại rất thấp, mà các giao dịch trên sàn còn không phải công khai “tung tích” kẻ mua người bán.

    Tỷ lệ sở hữu của HĐQT
    a) Trước niêm yết (sau 2 lần tăng vốn năm 2014 và 2015)
    b) Sau niêm yết (tính đến 26/08/2015)

    Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên của SGO sau khi niêm yết, theo công bố thì số lượng cổ đông đã tăng lên thành 1,494 cổ đông, tuy nhiên, số lượng tham dự lại rất thấp khiến Đại hội không thể tiến hành. Đại hội lần đầu chỉ có sự tham gia của 27% cổ phần có quyền biểu quyết, con số này giảm xuống còn 21% trong lần hai (18 cổ đông có mặt). Và cho đến lần tổ chức thứ ba vừa qua, số cổ đông tham dự chỉ còn 10 người, đại diện cho 18.67% cổ phần có quyền biểu quyết, trong đó, cổ phần của HĐQT đã chiếm hơn một nửa (hơn 10.5%). Sự thất bại này phải chăng do cổ đông quá thờ ơ với ĐHĐCĐ của SGO? Bởi SGO đã lựa chọn địa điểm đại hội chưa thích hợp, chưa phải là nơi tập trung đông nhất cổ đông? Hay là do HĐQT không muốn Đại hội thành công như suy nghĩ của một cổ đông sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh? SGO là công ty có trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh nhưng lại tổ chức đại hội tại Hà Nội, là nơi mà đa số dàn lãnh đạo công ty thường trú.

    Trở lại với ĐHĐCĐ 2016 lần thứ ba vừa qua, với 10 thành viên tham dự, HĐQT của SGO đã được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ đồng bằng 3 đợt phát hành, gồm trả cổ tức 2015 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, chào bán 10 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp và chào bán 3 triệu cp cho nhà đầu tư chiến lược với giá 10,000 đồng/cp. Cần lưu ý rằng mức giá phát hành 10,000 đồng/cp ở thời điểm hiện tại đang gấp hơn 2 lần thị giá cổ phiếu SGO trên thị trường.
    Quá trình tăng vốn của SGO (Đvt: tỷ đồng)

    Theo kế hoạch, trong số 130 tỷ đồng số tiền dự kiến thu về từ đợt chào bán, Công ty sẽ chi 100 tỷ đồng, để thâm nhập vào lĩnh vực mới là khai thác đá vôi tại mỏ đá La Đồng tại tỉnh Thái Nguyên.

    Cùng với phương án phát hành tăng vốn, năm 2016, SGO đặt mục tiêu doanh thu đạt 400 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng 16% đạt 18 tỷ đồng; cổ tức tỷ lệ 5%. Kế hoạch là vậy, tuy nhiên kết quả kinh doanh quý 1/2016 của SGO không cho thấy tín hiệu có thể hoàn thành. Kết thúc quý đầu tiên, SGO chỉ đạt doanh thu gần 59 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ 2015 và chỉ tương đương 14% kế hoạch đề ra. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 253 triệu đồng, chưa bằng 2% của kết quả quý 1/2015 và mới đạt hơn 1% chỉ tiêu cả năm.

    Nhìn lại hoạt động hai năm vừa qua (năm 2014 và 2015), mặc dù ghi nhận lãi ròng từ 12-15 tỷ đồng nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư của SGO lại âm liên tục. Chỉ duy nhất dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương nhờ hai lần tăng vốn khủng vào tháng 12/2014 và tháng 2/2015. Từ năm 2013 trở về trước, tuy SGO không công bố số liệu tài chính nhưng có thể thấy hoạt động của công ty không mấy suôn sẻ: giai đoạn này đã để lại khoản chuyển lỗ trong năm 2014 hơn 43 triệu đồng; lãi ròng 2013 chỉ tầm 400 triệu đồng và công ty không trích lập các quỹ nhiều năm vì lỗ lũy kế.

    Cơ cấu doanh thu của SGO cũng đáng chú ý khi gần như 100% doanh thu năm 2013 và 2014, hơn 70% doanh thu năm 2015 có được nhờ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho duy nhất 1 khách hàng là Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh. Đây là một đơn vị có những mối quan hệ khá đặc biệt với SGO và sẽ được giải mã trong phần tiếp theo.

    Về tài sản, với đặc thù của công ty thương mại, tài sản cố định của SGO rất thấp, phần lớn tài sản là khoản phải thu khách hàng và trả trước người bán, hai khoản đầu tư vào Phúc Quang – Hồng Anh và nhà máy xây xát lúa gạo tại Bắc Ninh (nhà máy hợp tác với Phúc Quang – Hồng Anh)./.

    >> Đón đọc kỳ 2:

  3. #3
    imported_phamhoangvu88 Guest
    SGO: Ẩn số “nồi cơm” Phúc Quang – Hồng Anh
    Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh cũng không phải là đơn vị xa lạ mà chính là sân sau của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (HNX: SGO).

    * Kỳ 1: Nỗi đau mang tên SGO!

    2 tháng, tăng vốn từ 1 tỷ lên… 200 tỷ đồng


    SGO là Công ty được thành lập từ năm 2010, với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là thương mại, tư vấn công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, chế biến dầu thực vật và chất béo. Đến nay, sau 5 năm hoạt động, vốn điều lệ của SGO đạt 200 tỷ đồng và đang tiếp tục kế hoạch tăng vốn trong năm 2016.

    Quá trình tăng vốn của SGO khá đặc biệt. Sau 4 năm “im hơi lặng tiếng” duy trì vốn điều lệ 1 tỷ đồng, hai lần tăng vốn lớn của SGO diễn ra rất chóng vánh, chỉ cách nhau chưa đầy 2 tháng.

    Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 2014, khi SGO phát hành 9.9 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (lúc đó chỉ có 5 người), tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ lên 100 tỷ đồng. Hơn 1 tháng sau, vào đầu tháng 2/2015, SGO tiếp tục hoàn tất phát hành 10 triệu cp cho 5 cổ đông trên theo tỷ lệ 1:1, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, chạm mức 200 tỷ đồng.
    Tỷ lệ nắm giữ của 5 cổ đông sau 2 lần tăng vốn

    Như vậy, sau hai lần tăng vốn, 5 cổ đông đã chi tổng cộng 199 tỷ đồng để mua cổ phần phát hành thêm của SGO. Trong đó, ông Lê Thiên Thạch đã chi 119.5 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng chi 19.8 tỷ đồng và 3 cá nhân còn lại mỗi người bỏ ra 19.9 tỷ đồng.

    Vòng tròn khép kín của dòng tiền tăng vốn


    Sau 2 lần tăng vốn với tổng số tiền thu được là 199 tỷ đồng, SGO đã chi 25 tỷ đầu tư thêm vào Nhà máy dầu thực vật Sài Gòn tại Vĩnh Long, bổ sung vốn kinh doanh 59 tỷ đồng, đầu tư 25 tỷ đồng vào Nhà máy sản xuất dầu thực vật tại Vĩnh Long và toàn bộ 115 tỷ còn lại đầu tư liên quan đến Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh (gồm 20 tỷ đồng đầu tư vào nhà máy xây xát lúa gạo – dự án hợp tác với Phúc Quang – Hồng Anh và 95 tỷ đồng mua cổ phần nắm giữ 47.5% vốn của doanh nghiệp này).

    Điều đáng chú ý là bên bán vốn góp tại Phúc Quang – Hồng Anh cho SGO chính là các thành viên HĐQT của SGO, và đặc biệt hơn nữa, họ cũng chính là những cổ đông đã rót tiền vào hai đợt tăng vốn khủng, mà một trong các mục tiêu lớn của đợt phát hành là để mua Phúc Quang – Hồng Anh. Theo đó, ông Lê Thiên Thạch đã thu về 53 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng thu về 12 tỷ đồng từ chuyển nhượng vốn góp tại Phúc Quang – Hồng Anh cho SGO.
    Dòng tiền vào và ra qua hai đợt tăng vốn khủng của SGO



    Giải mã “nồi cơm”

    Công ty Phúc Quang – Hồng Anh, tiền thân là Công ty TNHH Phúc Quang (thành lập năm 1994), hoạt động trong lĩnh vực buôn bán vật tư, phụ liệu cung cấp trong ngành chế biến nông sản, thực phẩm. Vào cuối năm 2004, Công ty mở rộng sang ngành sản xuất dầu ăn thực vật và đang sở hữu một số thương hiệu dầu ăn như "Tràng An", "Bếp Việt", “Cooking oil”. Vốn điều lệ của Phúc Quang – Hồng Anh ở mức 200 tỷ đồng, trong đó SGO hiện đang sở hữu 47.5% phần góp vốn, tương đương 95 tỷ đồng.

    Thành phần ban lãnh đạo của Phúc Quang – Hồng Anh cũng không xa lạ, khi Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc của đơn vị này là ông Lê Thiên Thạch, kế toán trưởng là bà Lê Thị Kim Trinh, trưởng phòng tài chính là bà Hoàng Thị Thúy Hà - các cá nhân trên đều là thành viên HĐQT của SGO.

    Phúc Quang – Hồng Anh ra đời từ sớm, SGO tuy là công ty mẹ nhưng chỉ mới thành lập vào năm 2010, hoạt động gắn liền và phụ thuộc vào Phúc Quang – Hồng Anh. Phúc Quang - Hồng Anh không chỉ hợp tác với SGO trong dự án Nhà máy xay xát lúa gạo, mà đơn vị này còn là nguồn tiêu thụ sản phẩm chính của SGO. Trong hai năm 2013, 2014, toàn bộ doanh thu của SGO đều đến từ giao dịch, bán hàng cho Phúc Quang - Hồng Anh. Năm 2015, con số này mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, doanh thu bán hàng cho Phúc Quang - Hồng Anh gần 277 tỷ đồng, chiếm 70% tỷ trọng doanh thu bán hàng của SGO. Mặt khác, khoản phải thu từ đơn vị này cũng tăng dần tại SGO. Cuối năm 2014, khoản phải thu đối với Phúc Quang - Hồng Anh xuất hiện với giá trị gần 6.6 tỷ đồng, đến cuối năm 2015 con số này đã tăng lên 16 tỷ và tính đến cuối quý 1/2016, giá trị khoản phải thu này đang ở mức 19.2 tỷ đồng.

    Năm 2015, Phúc Quang - Hồng Anh đạt doanh thu hơn 421 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại chỉ vỏn vẹn hơn 20 triệu đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận chưa tới 0.005%. Dù lợi nhuận thấp là vậy, Phúc Quang - Hồng Anh vẫn “mạnh tay” chia phần lãi 4.75 tỷ đồng cho SGO, cao hơn rất nhiều so với khoản lãi mà đơn vị này có được.

    Tất cả các mắt xích trên cho thấy mối liên hệ sâu sắc giữa 2 doanh nghiệp SGO và Phúc Quang – Hồng Anh, từ hoạt động kinh doanh, chủ sở hữu đến dàn lãnh đạo cả giai đoạn trước và sau M&A. Với tình hình hiện tại, không quá để nói SGO hiện vẫn đang “sống nhờ” vào Phúc Quang- Hồng Anh. Tuy SGO đang sở hữu đến 47.5% vốn góp tại Phúc Quang – Hồng Anh nhưng tỷ lệ này vẫn chưa đủ quá bán đế thắng thế trong các quyết định tại “nồi cơm” nếu những thành viên góp vốn còn lại cùng “phe”./.

  4. #4
    imported_phamhoangvu88 Guest
    Tăng vốn 200 lần, nhà đầu tư “lãnh đủ” với cổ phiếu SGO
    Thứ Hai, 20/6/2016 06:00
    (BĐT) - Trong hơn 1 tháng cuối năm 2014 đầu năm 2015, Công ty CP Dầu thực vật Sài Gòn (SG Oil JSC) đã tăng vốn kỳ diệu từ mức 1 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng với kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Công ty có một hồ sơ đẹp trước khi chính thức niêm yết vào cuối năm 2015.
    Sau 3 tháng niêm yết, SG Oil công bố kết quả kinh doanh tệ hại với lợi nhuận chỉ đạt 253 triệu đồng. Ảnh: Quang Tuấn
    Sau 3 tháng niêm yết, SG Oil công bố kết quả kinh doanh tệ hại với lợi nhuận chỉ đạt 253 triệu đồng. Ảnh: Quang Tuấn

    Báo Đấu thầu vừa nhận được đơn thư của nhà đầu tư phản ánh tình hình phát hành cổ phiếu, những “đau thương” của cổ đông khi nắm giữ cổ phiếu SGO của SG Oil kể từ khi niêm yết. Theo phản ánh của cổ đông này, từ khi niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tháng 12/2015) đến nay, cổ phiếu SGO đã rớt giá một mạch từ mức 14.500 đồng (đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên) xuống còn mức xung quanh 4.000 đồng hiện tại.

    Việc cổ phiếu lao dốc, nếu đem chất vấn các doanh nghiệp, câu trả lời nhận được thông thường sẽ là “do cung/cầu thị trường, tình hình kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường”. Tuy nhiên, với SGO, cổ đông cho rằng có nhiều điểm cần xác minh.

    Tăng vốn siêu tốc

    Bản cáo bạch niêm yết của SG Oil cho biết, Công ty đã thực hiện tăng vốn 2 lần trong 2 năm: Từ 1 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng (năm 2014) và từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng (năm 2015).

    Theo dõi SG Oil, thời gian tăng vốn của Công ty không phải trong 2 năm mà chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Cụ thể, đợt tăng vốn đầu tiên của công ty này là vào ngày 29/12/2014. Đợt 2 vào 2/2/2015. Tốc độ tăng vốn của SG Oil trở nên “siêu khủng”: Hơn 1 tháng tăng vốn điều lệ lên 200 lần!

    Đáng lưu ý, cả 2 lần phát hành cổ phiếu SGO đều có 5 nhà đầu tư tham gia mua với mức giá bằng mệnh giá. Chưa rõ các cá nhân mua cổ phần trong 2 đợt phát hành có phải cùng một nhóm hay không. Số tiền thu về tương ứng đạt 199 tỷ đồng.

    Sau khi tăng vốn, số lượng cổ đông của SG Oil từ con số 5 (hoặc 10) cá nhân, tăng lên 169 cá nhân và 2 tổ chức, đáp ứng điều kiện niêm yết của Công ty. SGO “lên sàn” với mức giá 11.500 đồng/CP và tăng 26,1% trong phiên giao dịch đầu tiên (16/12/2015), đóng cửa ở mức giá 14.500 đồng/CP.

    Như vậy, nếu mua cổ phiếu SGO từ phiên giao dịch đầu tiên, rồi nắm giữ tới thời điểm hiện tại, tài sản của cổ đông SG Oil đã bốc hơi khoảng 71% chỉ sau nửa năm. Với tốc độ giảm giá như vậy, không một ai không cảm thấy “đau lòng”

    Nghi vấn “thoát hàng”

    Chỉ sau 3 tháng niêm yết, SG Oil công bố kết quả kinh doanh tệ hại với lợi nhuận chỉ đạt 253 triệu đồng. So với quy mô vốn 200 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cực kỳ thấp. Trước đó, năm 2014 và 2015, công ty này lãi lần lượt 12,2 tỷ đồng và 15,5 tỷ đồng, đủ để có hồ sơ đẹp trước khi chào sàn.
    Trên thực tế, trước khi niêm yết chính thức, SG Oil đã không còn cổ đông lớn (nắm giữ trên 5% vốn điều lệ). Toàn bộ cổ đông sáng lập của Công ty đã hết thời gian bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

    Như vậy, tối đa 10 cá nhân bỏ ra 199 tỷ đồng trong 2 đợt tăng vốn dồn dập của SG Oil đã nhanh chóng “thoát hàng” trước khi niêm yết. Giá cả giao dịch vẫn là ẩn số. Với mức giá chào sàn 11.500 đồng/CP và tăng trần ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, có ý kiến cho rằng, cổ đông lớn của SG Oil trước kia đã nhanh chóng chốt lời với mức khả quan. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là nghi vấn.

    Không giống như hầu hết các doanh nghiệp niêm yết, Ban lãnh đạo SG Oil nắm giữ không đáng kể cổ phần Công ty. Điều này dấy lên lo ngại liệu họ có xứng đáng là nhóm đại diện cho lợi ích hàng trăm cổ đông?

    Với cơ cấu cổ đông hiện tại, rõ ràng việc tổ chức ĐHCĐ thường niên cực kỳ khó khăn. Trên thực tế, sau 2 lần tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 thất bại, SG Oil đã có thông báo triệu tập cuộc họp lần 3.

    Địa điểm tổ chức ĐHCĐ lần 3 của SG Oil là Thiên đường Bảo Sơn, Hoài Đức, Hà Nội, cách Trung tâm Thủ đô hơn 30 km. Cổ đông cho rằng đây là cách công ty này hạn chế việc tham dự ĐHCĐ, qua đó có thể quyết định các vấn đề liên quan đến Công ty mà không cần biểu quyết của các cá nhân nhỏ lẻ.

    Hiện SG Oil đang có nhà máy sản xuất dầu ăn tại Khu công nghiệp Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

    Được biết, chỉ sau 3 tháng niêm yết, SG Oil công bố kết quả kinh doanh tệ hại với lợi nhuận chỉ đạt 253 triệu đồng. So với quy mô vốn 200 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cực kỳ thấp. Trước đó, năm 2014 và 2015, công ty này lãi lần lượt 12,2 tỷ đồng và 15,5 tỷ đồng, đủ để có hồ sơ đẹp trước khi chào sàn.

  5. #5
    Trích dẫn Gửi bởi Xuan Thuy
    Tài liệu Offline CLB PTKT tại Tp.HCM ngày 25/06/2016 đã có. Các Anh/Chị vui lòng download tại link này:
    <font size="3"> Chủ đề: “Những kinh nghiệm thú vị trong 6 tháng đầu năm 2016”

    </font>
    Cám ơn nhiều


 

Các Chủ đề tương tự

  1. Tài liệu Offline CLB PTKT tại Tp.HCM ngày 27/08/2016
    Bởi imported_Nlseo01 trong diễn đàn Tin tức & Tài liệu CLB Phân tích kỹ thuật
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 27-08-2016, 01:19 PM
  2. Offline Câu lạc bộ PTKT Vietstock Tháng 08/2016 - Chủ đề: Những chiêu trò của đội lái và cách phòng chống
    Bởi acaramia trong diễn đàn Tin tức & Tài liệu CLB Phân tích kỹ thuật
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 19-08-2016, 09:39 AM
  3. Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 21-06-2016, 10:50 AM
  4. Offline Câu lạc bộ PTKT Vietstock Tháng 05/2016 - Chủ đề: Đầu tư mạo hiểm: Lý thuyết và thực tế
    Bởi thienquoc trong diễn đàn Tin tức & Tài liệu CLB Phân tích kỹ thuật
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 01-06-2016, 08:41 AM
  5. Tài liệu Offline CLB PTKT tại Tp.HCM ngày 07.05.2016
    Bởi thuanphatmobile trong diễn đàn Tin tức & Tài liệu CLB Phân tích kỹ thuật
    Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 18-05-2016, 06:24 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •