Hello and welcome to our community! Is this your first visit?
Kết quả 1 đến 2 của 2
  1. #1
    imported_mimisusi0121 Guest
    Lợi nhuận bất thường, rủi ro tiềm ẩn

    Khi lợi nhuận bất thường chiếm tỉ trọng cao trong lãi ròng doanh nghiệp thì cần tách bạch để định giá cổ phiếu cho đúng giá trị

    Nhờ nguồn thu lợi nhuận bất thường từ việc bán tài sản hay đánh giá lại giá trị mặt bằng nên nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chứng khoán có thêm nguồn thu cao đột biến. Thấy lợi nhuận tăng lên bất ngờ, nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” cạnh tranh mua nên đã đẩy giá những cổ phiếu này lên cao.

    Bỗng dưng tăng vọt

    Ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gemadep (GMD), cho rằng nếu cuối năm nay chỉ số VN-Index ở mức 580 điểm, nguồn thu từ kinh doanh truyền thống, cộng với lãi đầu tư tài chính (bao gồm cả hoàn nhập dự phòng), lợi nhuận sau thuế của đơn vị sẽ đạt khoảng 370 tỉ đồng.

    Ngoài ra, nếu được phép cộng thêm khoản lãi bất thường từ việc định giá lại tài sản là mặt bằng góp vốn ở Cảng Cái Mép khoảng 400 tỉ đồng nữa thì GMD sẽ có 770 tỉ đồng lợi nhuận. Trước đây, GMD đã góp 49,3% vốn (tương đương 39,5 triệu USD - bằng quyền sử dụng 72 ha đất) vào Công ty Liên doanh Cảng Cái Mép. Do giá đất tăng cao nên hiện nay mặt bằng này được các bên định giá lại.

    Nếu được các cơ quan chức năng chấp thuận, GMD sẽ có thêm nguồn thu khá lớn nói trên. Thông tin này tuy đã được công bố tại đại hội cổ đông vào giữa tháng 5, một thời gian dài sau đó giá GMD vẫn đèo đẹt trên thị trường. Nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, giá GMD bỗng tăng rất mạnh. Vào ngày 20-7, giá GMD chỉ có 43.700 đồng, đến 22-9 đã lên tới 112.000 đồng và nay là 102.000 đồng.

    Ngoài ra, còn có thêm nhiều đơn vị khác như: Công ty Chế biến thực phẩm Kinh Đô (KDC), Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) nhờ định giá lại mặt bằng nên có thêm nguồn thu nhập lớn.

    Mới đây, KDC đã tiến hành đánh giá lại giá trị khu đất số 6/134 Quốc lộ 13, P. Hiệp Bình Phước, Thủ Đức - TPHCM, để góp vốn thành lập công ty bất động sản. Lợi nhuận từ việc định giá lại mặt bằng này dự kiến mang về trên 200 tỉ đồng. Năm nay, KDC đặt mục tiêu thu lãi từ hoạt động kinh doanh là 256 tỉ đồng, nhưng nếu tính luôn khoản lợi nhuận bất thường này thì lãi có thể lên tới... 456 tỉ đồng.

    Định giá cổ phiếu cho đúng

    Lợi nhuận bất thường cũng xảy ra với nhiều trường hợp khác như: Công ty Thủy sản 4 (TS4) có nguồn thu từ việc bán căn hộ chung cư ở quận 4 - TPHCM; các công ty trong ngành sản xuất hàng cao su, nhựa, thép có lợi nhuận đột biến nhờ dự trữ nguyên liệu giá rẻ vào thời điểm đáy của cuộc khủng hoảng vừa qua và hàng loạt đơn vị khác có nguồn thu từ hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính...

    Tất cả những khoản lợi nhuận này DN chỉ có được một lần trong năm nay, còn sau đó sẽ phải quay lại với nguồn thu chính thống theo khả năng kinh doanh bình thường.

    Trong các báo cáo tài chính thường tính luôn cả nguồn lợi nhuận bất thường nên nhiều DN sẽ có chỉ số EPS (thu nhập) trên cổ phiếu rất cao nên nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm tưởng DN làm ăn hiệu quả cao.

    Nhưng năm tới, do không còn khoản thu này nữa nên lợi nhuận sẽ giảm và EPS sẽ xuống thấp. Chẳng hạn, đối với GMD, nếu tính cả khoản lợi nhuận bất thường nói trên thì năm nay EPS sẽ đạt 16.200 đồng, nhưng trong các năm tới, khi nguồn thu này không còn, EPS sẽ giảm xuống.

    Vì vậy, đối với những nhà đầu tư lâu dài khi mua những cổ phiếu có nguồn thu lợi nhuận bất thường chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu lãi ròng của DN, cần phải biết tách bạch để định giá cổ phiếu cho đúng giá trị, nếu không sẽ bị hớ.

    Nguồn:http://vfinance.vn/

    Link gốc: http://vfinance.vn/m13/sm13/n15601/c...ro_tiem_an.htm

  2. #2
    pvu1989a Guest
    Lợi nhuận từ định giá tài sản: Có thông lệ hay không? (09/10, 14:53)

    Gần đây dư luận băn khoăn việc một số công ty định giá lại đất để góp vốn liên doanh nhưng NĐT không biết là công ty có thể ghi nhận lợi nhuận từ việc định giá này trong năm nay hay không.

    Để hiểu rõ về vấn đề này, giả định Công ty A có 1 tài sản X đã mua hết 1 USD và Công ty thỏa thuận với đối tác liên doanh là đối tác sẽ góp vào 50 USD để sở hữu 50% Công ty liên doanh.

    Như vậy có thể tạm nói, tài sản X mang đi liên doanh của Công ty A được bên liên doanh chấp nhận với giá 50 USD nhưng cũng có thể hiểu rằng, bên đối tác chấp nhận bỏ 50 USD vào để sở hữu 50% giá trị lợi ích của liên doanh trong tương lai chứ không hẳn là họ đã chấp nhận tài sản X với giá 50 USD.

    Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì hiện tại, việc định giá này có được Công ty A ghi nhận ngay một khoản lợi nhuận là 49 USD hay không?

    Theo thông lệ kế toán hiện tại thì câu trả lời là KHÔNG. Hiện, không có quy định nào hướng dẫn ghi nhận lợi nhuận hay phân bổ lợi nhuận trong suốt thời hạn liên doanh hay trong một khoảng thời gian nào đó. Vậy thông lệ kế toán hiện tại là gì?

    (i) Phương pháp kế toán phổ biến nhất là: Công ty A vẫn ghi nhận trên bảng cân đối kế toán khoản đầu tư vào tài sản X này (và sau này là đầu tư vào liên doanh) theo giá gốc là 1 USD và hàng năm Công ty A làm báo cáo tài chính hợp nhất với liên doanh theo phương pháp vốn góp (equity method) hay phương pháp phân chia theo tỷ lệ sở hữu 50% (proportionate accounting) theo các chuẩn mực kế toán.

    Khi thành lập liên doanh, về bản chất giao dịch này chẳng khác gì việc Công ty A hình thành một Công ty con với chính tài sản X 1 USD đó và mang bán 50% vốn trong Công ty con cho đối tác liên doanh với giá 50 USD. Nếu hình dung như vậy thì bản chất của vấn đề được thể hiện rõ hơn.

    Việc định giá lại về bản chất chỉ là để xác định số tiền mà đối tác cần góp để được chia 50% quyền lợi trong liên doanh mà thôi.

    (ii) Có một cách hạch toán khác là, Công ty A định giá lại tài sản X, giả sử là theo giá 50 USD. Khi đó Công ty A ghi tăng phần chênh lệch 49 USD vào quỹ định giá lại tài sản (revaluation reserve) thuộc vốn chủ sở hữu của DN và không ghi thành lợi nhuận trong báo cáo kết quả kinh doanh.

    Trên thực tế, có một vài công ty đã từng ghi nhận lợi nhuận ngay từ giao dịch như thế này, nhưng đó không phải là thông lệ kế toán hiện tại và không phổ biến ở Việt Nam. Thực tế, hầu hết các công ty, hay tổng công ty ở Việt Nam khi mang tài sản đi góp vốn liên doanh trong các năm qua cũng không ghi nhận lợi nhuận từ chênh lệch định giá lại tài sản.

    Một ví dụ cụ thể là CTCP Viễn thông Saigon Postel (SPT) mang giấy phép CDMA đi góp vốn với SK Telecom của Hàn Quốc, trong đó SK Telecom góp hơn 200 triệu USD để phát triển mạng di động S-fone và quyền lợi sẽ được ăn chia 50:50. Như vậy, tại thời điểm đó có thể nói giấy phép CDMA của SPT được định giá hơn 200 triệu USD, nhưng SPT cũng không ghi nhận lợi nhuận gì từ việc định giá lại tài sản này.

    Ở một khía cạnh khác, việc ghi nhận lợi nhuận từ giao dịch góp vốn như thế này có thể làm tăng việc cố ý ghi lợi nhuận thông qua việc góp tài sản để hình thành các công ty con với các đối tác nội bộ và sau đó ghi nhận con số lợi nhuận dựa trên giá trị định giá theo ý muốn của các bên.

    Ngoài ra, việc ghi nhận lợi nhuận ngay từ chênh lệch định giá lại tài sản góp vốn liên doanh khiến công ty có thể phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25% ngay, như vậy rất bất lợi cho cổ đông khi mà dòng tiền trên thực tế phải rất nhiều năm sau mới thu được từ liên doanh.

    Rõ ràng là với những cơ sở trên, NDT nên nhìn nhận việc định giá lại tài sản góp vốn liên doanh với ý nghĩa là xác định lại giá trị sổ sách cho DN và lợi ích dài hạn cho cổ đông chứ không phải là kỳ vọng để ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn.

    Ngọc Vũ, FCCA

    Theo ĐTCK


 

Các Chủ đề tương tự

  1. Trả lời: 4
    Bài viết cuối: 22-08-2017, 03:45 AM
  2. Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 20-11-2013, 11:05 AM
  3. TNT giá bèo mà lợi nhuận khủng
    Bởi imported_longcheng trong diễn đàn Doanh nghiệp sàn HoSE
    Trả lời: 19
    Bài viết cuối: 02-01-2013, 03:24 AM
  4. Trả lời: 2
    Bài viết cuối: 28-06-2009, 01:42 PM
  5. Thước đo của lợi nhuận là rủi ro!
    Bởi zxcvbmz1993 trong diễn đàn Kiến thức Chứng khoán
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 07-01-2006, 05:50 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •