Thông tin nhà nước sẽ siết chặt việc mua bán vàng miếng và USD trên thị trường tự do đã khiến việc giao dịch hai loại hàng hóa này hạ nhiệt. Hiệu quả trước mắt là giá vàng và USD đều giảm. Tuy nhiên, xung quanh các biện pháp hành chính để kiểm soát thị trường tự do đang có những tranh luận trái chiều.
Bài viết này tập trung phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thị trường chợ đen hình thành và phát triển. Từ đó, chúng tôi cho rằng để giải quyết tình trạng buôn bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen hiện nay cần nhiều giải pháp đồng bộ chứ không phải là các biện pháp hành chính.
Thị trường chợ đen có hoàn toàn tiêu cực?
Thị trường chợ đen (black market) được hiểu là nơi giao dịch những hàng hóa, dịch vụ không thuộc thành phần của nền kinh tế chính thức. Thị trường chợ đen còn có cách gọi khác như kinh tế ngầm (underground economy hoặc shadow economy), kinh tế đen (black economy), hay nền kinh tế phi chính thức (unofficial economy). Thị trường chợ đen thường là nơi giao dịch các hàng hóa, dịch vụ trốn thuế, không có bản quyền hoặc những mặt hàng bị cấm. Chẳng hạn các hàng hóa không được đăng ký, không có bản quyền, buôn lậu hoặc các hàng hóa dịch vụ bị cấm.
Như vậy, nhìn chung thị trường chợ đen hay kinh tế ngầm gây ra rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và xã hội. Nhà nước sẽ bị thất thu bởi không thu được thuế, các hoạt động thị trường bị rối loạn do không kiểm soát được, người tiêu dùng bị thiệt hại bởi mua phải những hàng hóa chưa được kiểm định chất lượng. Ngoài ra, những hàng hóa độc hại như ma túy, vũ khí và tệ nạn xã hội tác động đến đời sống người dân. Đặc biệt thị trường chợ đen cũng là “mảnh đất” để việc tham nhũng, rửa tiền, các tổ chức tội phạm phát triển.
Mặc dù có nhiều tác động tiêu cực nhưng thị trường chợ đen vẫn tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo nghiên cứu của 3 tác giả Matthew H. Fleming, John Roman và Graham Farrel về nền kinh tế ngầm thời điểm năm từ 1990 – 1993 thì tại các nước có nền kinh tế kém phát triển ở Châu Phi kinh tế ngầm chiếm 60-80% so với GDP. Tại các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như ở Nam Mỹ hay Đông Âu, kinh tế ngầm chiếm từ 20-30%. Tại các quốc gia phát triển châu Âu từ 13-20%. Còn tại các nền kinh tế tự do và phát triển cao như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản từ 7-10%. Tại Đông Nam Á ngoại trừ Singapore khoảng 13% thì hầu hết các quốc gia khác từ 30-50%. Ở Việt Nam theo nhận định của một số nhà kinh tế kinh tế ngâm chiếm 30-40% so với GDP.
Thực tế, kinh tế ngầm hay thị trường chợ đen không hoàn toàn có tác dụng tiêu cực mà nó đóng vai trò nhất định cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Một khi thể chế ở một nền kinh tế nào đó yếu kém thì kinh tế ngầm tồn tại như một yếu tố tất yếu để bổ sung những khuyết tật của kinh tế chính thức. Chẳng hạn đối với những mặt hàng bị kiểm soát giá thì thị trường chợ đen sẽ đóng vài trò phân phối một cách hiệu quả nhất hàng hóa này đến tay người tiêu dùng. Còn trong một thể chế yếu kém, quan liêu thì thị trường chợ đen như một chất bôi trơn giúp nền kinh tế vận hành “trơn tru” hơn.
Đối với những sản phẩm cụ thể như bản quyền phần mềm và dược phẩm nhờ thị trường chợ đen những sản phẩm này được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Những người tiêu dùng không đủ khả năng chi trả cho bản quyền đắt đỏ vẫn có thể sử dụng. Ví dụ điển hình nhất là các phần mền của Microsoft đóng góp lớn vào sự phát triển tin học toàn cầu nhờ thị trường “chợ đen”.
Nguyên nhân thị trường tiền tệ chợ đen phát triển và trường hợp Việt Nam
Vàng và USD đã đi liền với đời sống người dân Việt Nam trong nhiều năm qua như một vấn đề hết sức bình thường. Người dân Việt Nam có thói quen tích trữ vàng như là một “truyền thống”. Trong giao dịch người ta cũng niêm yết và sử dụng USD như một điều gần như hiển nhiên. Từ những tài sản có giá trị lớn như nhà đất, xe hơi… hay đến những suất ăn tại các nhà hàng cũng được niêm yết bằng USD hay vàng. Năm 2010, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lên đến gần 40% và tín dụng bằng ngoại tệ cũng chiếm trên 20%. Điều này cho thấy tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế khá cao.
Từ kinh nghiệm thực tế ở các nền kinh tế trên thế giới người ta đúc kết một số nguyên nhân sau dẫn đến thị trường giao dịch tiền tệ trên thị trường chợ đen phát triển.
• Chính phủ neo đồng nội tệ quá chặt với một loại ngoại tệ nào đó mà không phản ánh giá trị thị trường thực sự của nó. Trường hợp này đúng với những quốc gia có chế độ tỷ giá cố định.
• Đồng nội tệ liên tục bị mất giá, khiến người dân mất sự tin tưởng vào giá trị của đồng nội tệ.
• Chính phủ gây khó khăn đối với người dân trong việc sở hữu ngoại tệ hoặc trao đổi ngoại tệ. Như vậy, Chính phủ xem việc sở hữu ngoại tệ là bất hợp pháp (kết hối) vì vậy người dân buộc phải giao dịch ngoại tệ trên thị trường chợ đen.
• Ở các nền kinh tế có các hoạt động phi pháp như buôn lậu, buôn ma túy và tham nhũng tràn lan càng khiến chợ đen phát triển mạnh. Nguồn tiền này sẽ được trao đổi mua bán trên thị trường tiền tệ để biến thành tiền sạch.
Từ 4 nguyên nhân trên đối chiếu với trường hợp của Việt Nam sẽ cho chúng ta thấy được bản chất của tình trạng đô la hóa và thị trường chợ đen đang phát triển mạnh.
Đồng nội tệ bị neo quá chặt và tình trạng 2 tỷ giá kéo dài
Trong hơn 2 năm qua luôn luôn xuất hiện tình trạng 2 tỷ giá. Tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do thường cao hơn khá nhiều so với thị trường chính thức. Do vậy, thực tế mua bán trên thị trường ít khi diễn ra theo tỷ giá NHNN quy định. Chính sự bất cập này là “mảnh đất màu mỡ” khiến cho quy mô thị trường chợ đen ngày càng lớn.
Lòng tin vào đồng nội tệ suy giảm
Chỉ trong năm 2009 và 2010 đồng nội tệ đã mất hơn 20% giá trị so với đồng USD. Lạm phát ở Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế khác. Như vậy, sự mất giá của đồng nội tệ và dự trữ ngoại hối giảm mạnh khiến cho niềm tin vào động nội tệ suy giảm. Điều này đã kích thích tình trạng đầu cơ và tích trữ ngoại tệ, vàng. Do vậy, nó làm cho các giao dịch ngoại tệ diễn ra sôi động trên thị trường tự do.
Khó khăn trong việc mua bán ngoại tệ
Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 xem việc cất giữ và vận chuyển tiền là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, người dân chỉ được mua-bán USD cho tổ chức được cấp phép thực hiện chức năng này. Ngoài ra, muốn mua ngoại tệ cần có các giấy tờ chứng minh nhu cầu là hợp pháp. Thực tế việc mua USD tại tổ chức tín dụng gặp không ít khó khăn do thủ tục rắc rối dù nhu cầu là chính đáng. Ngoài ra, thời gian thực hiện giao dịch kéo dài do thủ tục nhiều khi cũng không thuận tiện đối với người cần mua USD.
Nguồn tiền từ các hoạt động bất hợp pháp vẫn lớn
Nguồn tiền lợi nhuận từ các hoạt động bất hợp pháp (trốn thuế, buôn lậu, buôn bán hàng cấm) ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Những nguồn tiền này thường được sử dụng để đầu cơ vàng, ngoại tệ như là một cách hiệu quả để rửa tiền. Do vậy, muốn giảm quy mô thị trường chợ đen thì đồng thời phải nâng cao tính minh bạch cho nền kinh tế và buộc phải giảm các hoạt động bất hợp pháp trong nền kinh tế.
Biện pháp hành chính chưa đủ để giải quyết bài toán “Thị trường chợ đen”
Các phân tích trên cho thấy thị trường chợ đen luôn tồn tại cùng với thị trường chính thức. Thông thường ở những nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam thì quy mô thị trường chợ đen chiếm 30-50% quy mô nền kinh tế.
Ngoài những tác dụng tiêu cực đã nhìn thấy rõ thì nó cũng có những tác dụng tích cực trong việc bổ sung những khiếm khuyết ở thị trường chính thức và thể chế chưa hoàn thiện. Trong những trường hợp nhất định thị trường chợ đen giúp nền kinh tế và xã hội vận hành một cách tốt hơn.
Đối với thị trường tiền tệ thị trường chợ đen xuất hiện do một số nguyên nhân chính đã được nêu ở trên. Đối chiếu với Việt Nam thì cả 4 nguyên nhân này đều xuất hiện. Nền kinh tế bị đô la hóa và tình trạng buôn bán ngoại tệ trên thị trường tự do tăng mạnh là hệ quả của nhiều khiếm khuyết trong nền kinh tế. Các chính sách nhằm thu hẹp quy mô thị trường chợ đen là cần thiết tuy nhiên cần phải có những giải pháp đồng bộ.
Không thể dẹp bỏ thị trường chợ đen bằng cách dùng các biện pháp hành chính. Muốn giải quyết được tình trạng đô la hóa và giảm quy mô thị trường chợ đen cần phải loại bỏ dần những nguyên nhân từ gốc như phải ổn định giá trị đồng nội tệ, tỷ giá phải linh hoạt phản ánh cung cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ tiếp cận với ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu chính đáng của mình. Ngoài ra, phải xây một thể chế lành mạnh để giảm bớt tình trạng có thu nhập bất hợp pháp khác. Các tổ chức tài chính cũng cần tham gia một cách tích cực hơn trong việc giải quyết nhu cầu sử dụng ngoại tệ chính đáng cho khách hàng.




CHUẨN KHÔNG CẦN CHỈNH...........[IMG]images/smilies/cool.gif[/IMG][IMG]images/smilies/cool.gif[/IMG][IMG]images/smilies/cool.gif[/IMG]