Chủ đề: Khủng hoảng tài chính
-
05-08-2010, 05:13 AM #1Guest
Tập hợp những bài phân tích về khủng hoảng tài chính nhằm cung cấp thêm các kiến thức cho bạn đọc
View more random threads:
- Cổ phiếu công ty phá sản
- GIAO DỊCH ONLINE VÀO BUỔI SÁNG HAY TỐI?
- Mua bán cp OTC thế nào các bác
- Cách tính EPS
- Trắc nghiệm kiến thức Chứng Khoán Ngoại Hối, Hàng Hóa bằng ứng dụng Progoldforex
- Xem xếp hạng tín dụng của các DOANH NGHIỆP ở đâu nhỉ?
- Thông tin về số lệnh mua và bán
- những điểm khác biệt gì giữa 2 sàn HN & HCM ?
- Biệt thự view hồ lớn nhất thành phố Từ Sơn và dãy shophouse lợi thế bậc nhất TL277
- Hỏi về thông tin trên bảng điện, vấn đề khớp lệnh?
-
05-08-2010, 05:15 AM #2pitias04 Guest
FANANCIAL CRISIS ANALYSIS (PHÂN TÍCH KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH)
Từ giữa năm 2007 đến nay tình hình kinh tế ngày càng thêm tồi tệ, trở thành mối lo âu cho tất cả mọi người trong xã hội. Kể từ khi thị trường địa ốc suy sụp năm 2006, kéo theo ngành xây dựng đình đốn, mức thất nghiệp gia tăng nhanh, tiêu thụ và đầu tư giảm, tổng sản phẩm nội địa đã liên tục sa sút trong nhiều tam cá nguyệt liên tiếp, kinh tế rõ ràng đang bước vào giai đoạn suy thoái (recession). Ngay lúc này,theo thống kê của Bộ Lao Động, tỉ lệ thất nghiệp là 6.5, cao nhất trong 14 năm qua, với chừng hơn 1.2 triệu người thất nghiệp[i] . Nhưng đây không phải là một cuộc suy thoái thông thường theo chu kỳ (business or economic cycle) như vẫn thường xảy ra; trong đó nền kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng nhanh do sự toàn dụng về tư bản, nhân lực, kỹ thuật và sự cân bằng cung-cầu tổng quát, sẽ tạm thời đình trệ rồi suy thoái trong vài ba tam cá nguyệt để rồi bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới. Lần này khác hẳn, sự suy thoái không những kéo dài lâu hơn, mà còn đi kèm theo bằng một cuộc khủng hoảng tài chánh (financial crisis) với sự sụp đổ của nhiều ngân hàng và hảng bảo hiểm lớn, như Bear Stearns, Lehman Brothers, Washington Mutual Bank, American International Group và hàng trăm ngân hàng, cơ sở tài chánh nhỏ khác. Toàn bộ hệ thống tài chánh của Mỹ và các cường quốc Âu Châu hoàn toàn tê liệt trong hai hoạt động chính yếu của mình; đó là luân chuyển tư bản (liquidity) và cung cấp tín dụng (credits).
Các chính phủ Âu Châu đã cấp tốc phản ứng, có nơi tìm cách chuộc cho các ngân hàng khỏi phá sản, nước khác có biện pháp mạnh hơn như tạm thời quốc hữu hoá các ngân hàng lớn. Anh Quốc, chẳng hạn, đã lần lượt quốc hữu hoá (bank nationalization) các ngân hàng Bank of Scotland và Northen Rock. Đức, Ý, Tây Ban Nha và nhiều nước Âu Châu khác đã, với nhiều biện pháp khác nhau, xuất công quỹ để cứu các ngân hàng khỏi rơi vào cảnh phá sản.
Riêng ở Mỹ, chính phủ đã vội vàng thảo một kế hoạch có tên là Troubled Asset Relief Programme (TARP) đưa qua Quốc Hội. Kế hoạch đó đã được QH thông qua với đạo luật Emergency Economic Stabilzation Act (EESA), cấp trước mắt 700 tỉ dollars, trao cho Bộ Trưởng Ngân Khố, hiện nay là ông Henry Paulson, được toàn quyền hành động để phục hồi sự hoạt động bìnht thường của nền kinh tế và hệ thống tài chánh-ngân hàng trên toàn quốc. Tuy luật đã thông qua, nhưng cho đến hôm nay Bộ Ngân Khố vẫn chưa có chính sách rõ ràng về phương thức thực hiện.
Cuộc khủng hoảng tài chánh là rất lớn lao với những hậu quả khó lường; có kinh tế gia, như William Engdahl đã gọi đây là một trận hồng thuỷ tài chánh (a financial tsunami)[ii]. Nhà tài chánh nổi tiếng Georgre Soros cho rằng những gì xảy ra trong những tháng qua là trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929. Cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên Bang, ông Alan Greenspan cũng nhận định rằng đây là cuộc khủng hoảng gay gắt nhất kề từ Đệ Nhị TC.[iii] Một bài viết ngắn, tất nhiên, không thể đề cập hết tất cả mọi khiá cạnh của một cuộc khủng hoảng ở tầm mức như vậy. Sau đây xin chỉ lược sơ đến một vài vấn đề gần gủi và tương đối dễ hiểu nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng.
Trước hết, đa số dư luận cho rằng cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng của ngành địa ốc, gây ra do subprime mortgage loans (các trái khoản địa ốc thứ đẳng);vậy thử tìm hiểu xem subprime mortgage là gì.
-
05-08-2010, 05:17 AM #3Guest
A.-SUBPRIME MORTGAGES
Một cách căn bản, trong lãnh vực địa ốc có các loại nợ : conforming mortgages loan, jumbo loans, subprime mortgages và Alt-A mortgages.
Loại Conforming mortgages là loại nợ phù hợp với tiêu chuẩn vay nợ chính thức quy định bởi hai công ty địa ốc lớn do chính phủ đỡ đầu là Fannie Mae và Freddie Mac (Government sponsered enterprises,GSE). Các tiêu chuẩn này bao gồm mức nợ giới hạn, khác nhau tùy theo vùng; số tiền phải trả ứng trước (down payments); tỉ số nợ trả hàng tháng trên số lợi tức khả dụng (debt/disposable income); và điểm tín dụng. Tại những vùng giá nhà cửa quá cao, vượt xa hơn mức nợ giới hạn do GSE quy định, người vay nợ phải vay số nợ lớn hơn tiêu chuẩn, loại nợ như vậy gọi là jumbo loans. Thông thường người vay nợ phải hội đủ tiêu chuẩn về lợi tức, số tiển trả ứng trước (down payments) và, nhất là, điểm tín dụng (credit history scores) để được vay hai loại nợ vừa nói. Một cách tống quát, đề vay được loại nợ địa ốc chính đẳng này, người vay phải trả down payments 20-35% của trị giá căn nhà và có điểm tín dụng từ 700 trở lên trên thang điểm 300-850.
Ngoài loại nợ tiêu chuẩn, tạm gọi là chính đẳng, nêu trên, người ta có thêm hai loại nợ khác, tạm gọi là thứ đẳng, là subprime mortgages và Alt-A. Nói chung Sub-prime hay Alt-A có tính chất gần giống nhau, nghĩa là loại nợ dành cho những người vay nợ không đạt được các tiêu chuẩn đòi hỏi dành cho loại nợ chính-đẳng nêu ở trên về lợi tức, về down payments và điểm tín dụng.
Người vay loại nợ subprime ( và Alt-A) có những đặc điểm chung sau đây:
* Không đủ tiền để trả down payments lớn; thường chỉ có đủ để trả từ 5% đến 10% trị giá của căn nhà muốn mua. Đôi khi ngay cả với 0% down payments.
* Lợi tức thấp, hoặc tỉ lệ nợ trên lợi tức khả dụng cao (debt/disposable income).
* Không đầy đủ chứng từ, nhất là các chứng từ về lợi tức.
* Có những khuyết điểm về tín dụng; điểm tín dụng thấp, dưới 630 theo hệ thống FICO (thiết lập bỡi Fair Isaac& Company), trong thang điểm từ 300 đến 850.
Mặt khác, subprime mortgages thường có loại lãi suất hỗn hợp (hybrid interest rates), gồm cả lãi suất cố định và lãi suất điều chỉnh (fixed and adjustable rate mortgages, ARMs).Trong thời kỳ đầu, hai năm (nếu là loại 2/28), hay 3 năm (nếu là loại 3/27) lãi suất cố định được áp dụng; tiền nợ hằng tháng trong những năm đầu này được tính theo một lãi suất thấp gọi là teaser interests (chẳng hạn chừng 5.4%).Nhiều trường hợp, trong hai hay ba năm đầu, người vay nợ chỉ phải trả tiền lời thôi (interest only). Hết thời hạn 2 hay 3 năm đầu tiên đó, qua thời kỳ thứ hai, lãi suất sẽ được chuyển qua loại điều chỉnh ARMs, thường bằng tổng số của teaser interests cộng thêm với lãi suất nổi trên thị trường (chẳng hạn 8.4%).Mức ARMs này có giới hạn (caps) theo quy định. Chính vì vậy mà những người mua nhà vay nợ subprime mortgages, sau 2 hay 3 năm đầu được hưởng việc trả nợ hàng tháng thấp, sẽ đột ngột gặp phải mức trả nợ hàng tháng tăng cao gấp bội khi bước qua thời kỳ thứ hai.
Ngoài ra, đa số subprime mortgages còn bị ràng buộc bởi sự chế tài khi trả trước hạn định (prepayment penalties). Theo ước tính thì 80% loại subprime mortgages bị sự chế tài này ( so với chỉ 2% trong loại prime mortgages).
Với một cơ cấu như vậy, người vay nợ sẽ bị buộc không refinancing ( tái tài trợ) căn nhà mình mua quá sớm khi còn ở trong thời kỳ đầu, vì sẽ bị chế tài (prepayment penalties); nhưng mặt khác lại bị thôi thúc phải refinancing khi chuyển qua thời kỳ thứ hai, khi mà mức trả nợ hàng tháng tăng cao hơn.
Yêu cầu quan trọng của subprime mortgages là giá gia cư phải liên tục gia tăng. Vỉ chỉ có giá cả gia tăng mới giúp cho người vay nợ có khả năng refinancing nợ mới và tiếp tục trả được nợ. Về phiá người cho vay, lenders, thì bất kể người vay nợ có tiếp tục trả được nợ hay không, một khi giá gia cư gia tăng, người cho vay vẫn thu được lợi và giảm thiểu rủi ro mất nợ.
Trong suốt hơn một thập niên qua, mức cầu địa ốc ngày càng cao. Đi kèm theo đó là nguồn tín dụng quá dồi dào; nguồn tiền tuồn vào Mỹ từ các nước có mức tiết kiệm cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Arab Saudi, v.v... rất lớn. Ngân Hàng dự trữ LB lại liên tiếp cắt giảm lãi suất. Các thủ thuật thao túng về lượng tồn trữ nhà chờ bán (low inventory) làm cho mức cung gia cư bị thổi phòng. Thêm vào đó, các ngân hàng và nhà môi giới địa ốc, do chạy đua theo lợi nhuận, đã áp dụng sai lạc nhiều quy trình cho vay. Tất cả những yếu tố này cộng hưởng lại đã làm cho tỉ trọng của subprime mortgages trong thị trường địa ốc tăng cao một cách đáng kể, tạo nên cái mà người ta gọi là “ bong bóng địa ốc” (real estate bubble). Có những vùng giá nhà tăng đến 160% trong chưa đầy 10 năm. Cao điểm là khoảng những năm 2003-2005, có những căn nhà vào năm 2000 giá khoàng 600,000 dollars, nhưng qua đến năm 2005 lên đến 1,000,000 dollars! Những cặp vợ chồng mua nhà, sau hai năm xử dụng, nếu đem bán thu lời từ 500,000 dollars trở xuống thì không phải đóng thuế trên số tiền lời đó. Chính sách thuế ưu đãi đó đã khuyến khích nhiều người tận dụng subprime mortgages mua nhà, chỉ trả hai năm tiền lời thôi (interest only), sau thời kỳ đầu hai năm, đem bán nhà kiếm lời, khỏi phải đóng thuế. Đó lại thêm một yếu tố làm cho bong bóng địa ốc càng phình ra to hơn.
Giá gia cư tăng nhanh, lãi suất thấp cũng khuyến khích nhiều sỡ hữu chủ đem refinancing căn nhà của mình, lấy tiền mua thêm nhà khác hoặc tiêu dùng. Có người ví von cho rằng người ta đã xử dụng căn nhà như một máy ATM để rút tiền ra tiêu xài.
Nhưng rồi, mọi sự đều hữu hạn. Giá địa ốc không thể cứ gia tăng mải. Một số người vay nợ subprime mortgages, sau thời kỳ hai ba năm đầu, khởi sự không cáng đáng nổi khoản trả nợ hàng tháng và tình trạng phát mãi nhà (foreclosure) bắt đầu. Kèm theo đó là giá năng lượng gia tăng nhanh đột ngột, gây ra lạm phát, kìm hảm sự tăng trưởng kinh tế, lượng người thất nghiệp tăng dần góp phần làm lan rộng mức phát mãi. Giá địa ốc, sau khi lên tới đỉnh cao, bây giờ bắt đầu tuột dốc, kéo theo với nó toàn bộ hậu quả tai hại của subprime mortgages; một hậu quả có tính cách dây chuyền lan rộng ra và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Vấn đề đặt ra kế tiếp là làm thế nào subprime mortgages, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến các ngân hàng địa ốc, và với quy mô thiệt hại theo ước tính chỉ lên đến chừng 1000 tỉ dollars, lại có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng đầu tư và cuối cùng là toàn bộ hệ thống ngân hàng ? Khó để có thể trả lời vấn đề này một cách đầy đủ, trọn vẹn và chi tiết. Tuy nhiên, một vài tìm hiểu căn bản sau đây liên quan đến một số công cụ được sử dụng trong hệ thống địa ốc và tài chánh có thể phần nào giúp hiểu thêm ít nhiều những mối quan hệ phức tạp của vấn đề.
-
05-08-2010, 05:17 AM #4Guest
MORTGAGES LOAN SECURITIZATION-
CHỨNG KHOÁN HOÁ NỢ ĐỊA ỐC
Lúc khởi thuỷ việc mua nhà chỉ xảy ra giữa người mua, bán nhà và ngân hàng. Người mua thường bỏ ra đến chừng 30-40% down payment, số còn lại vay (mortgage loans) từ ngân hàng; sau đó trả hằng tháng cho ngân hàng. Chỉ đơn giản như vậy. Nhưng về sau này khi thị trường địa ốc phát triển, món nợ địa ốc đó không đơn giản chỉ nằm lại ở ngân hàng, mà lại được bán cho người khác; gọi là secondary markets.
Subprime mortgages cũng như các loại trái khoản địa ốc khác thường được đem ra bán lại cho các nhà đầu tư trong một quá trình gọi là mortgage loan securitization (tạm dịch là chứng khoán hoá nợ địa ốc).Người ta gọi loại thị trường mua bán các khoản mortgages này là secondary markets (thị trường thứ cấp). Trên thực tế, các hồ sơ mortgages cá nhân sẽ được Fannie Mae, Ginnie Mae và Freddie Mac mua, tổ hợp lại thành từng cụm rồi bán lại trên thị trường chứng khoán (security market) cho giới đầu tư dưới dạng những trái phiếu (bonds) với mức lãi suất thường hơi thấp hơn chút ít so với lãi suất nguyên thủy của mortgages. Số tiền thu được sẽ lại chuyển trở lại cho các ngân hàng địa ốc đề tiếp tục cho vay. Các loại trái phiếu (bonds) này có ba dạng chính là Mortgage-backed Securities (MBSs), Collateralized Debt Obligations (CDOs) và Structured investment Vehicles (SIVs). Đôi khi người ta cũng còn dùng từ Asset-backed securities để chỉ các loại trái phiếu phát sinh từ mortgages này.
Chẳng hạn, Fannie Mae gom 1000 nợ mortgages từ 1000 căn nhà nào đó, mỗi mortgage trị giá 100,000 dollars với lãi suất cố định là 6.5%, tổng số lượng 100,000,000 dollars này được dùng để phát hành 10,000 trái phiếu (bonds) mỗi cái 10,000 dollars với lãi suất chừng 6%. Các trái phiếu này sau đó sẽ được đem ra mua bán trên thị trường chứng khoán giữa các nhà đầu tư.
Trên thị trường, các loại mortgage-backed bonds đó được cơ quan định hạng (rating companies) xếp thành 7 loại khác nhau từ AAA là hạng tốt nhất, ít rủi ro nhất đến hạng B và hạng chót là những hạng có mức rủi ro cao nhất. Thông thường các MBSs này được chia ra thành tranches tuỳ theo mức phân hạng; loại AAA là loại được ưu tiên rút tiền nếu có rủi ro phát mãi xảy ra.
Các MBS bonds này, đến lượt chúng, đôi khi còn được gom lại (pooling) đề làm ra loại bonds khác gọi là Collateralized Debt Obligations (CDOs) và đây là loại, trong thời gian gần đây, được phát hành bởi những cơ sở mua nhiều subprime mortgages. Một loại bonds khác nữa tương tự như CDOs, chỉ khác là ngắn hạn hơn; đó là lọai Structured Investment Vehicles(SIVs), cũng từ mortgages mà ra.
Theo Inside Mortgages Finance, trong năm 2006, bonds phát hành dựa vào subprime mortgages đạt đến tổng trị giá 483 tỉ dollars chiếm hơn 1/5 tổng số bonds phát hành dựa vào Mortgage-backed Securities. Vào năm 2007 chắc chắn tổng trị giá của subprime mortgage-backed bonds lại còn cao hơn nữa.
Tuy nhiên, loại subprime MBS nói trên đây lại vấp phải những khiếm khuyết pháp lý trầm trọng. Vào khoảng cuối năm 2006, toà án Liên bang ở Ohio đã phán quyết rằng sở hữu chủ của một số chứng khoán MSB sẽ không có quyền trên những khoản nợ địa ốc mà các chứng khoán ấy viện dẫn; lý do là vì khi tạo ra các chứng khoán địa ốc MBS, dây chuyền của quyền sỡ hữu địa ốc đã không có những quy định rõ ràng đối với các nhà đầu tư, là người đã bỏ tiển ra mua lại những chứng khoán địa ốc MBS đó.
Kế đến, một toà án khác, cũng ở bang Ohio, đã bác khước quyền đòi phát mãi 14 căn nhà của Deutsche Bank cùng với lý do tương tự nêu trên. Những phán quyết như vậy rõ ràng gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đến thi trường của hơn 1000 tỉ dollars MBS trên toàn quốc.
Mặc dầu vậy, chính qua vai trò của MBSs, như một khí cụ đầu tư (investment instruments) mô tả trên đây, mà thị trường địa ốc nói chung, subprime mortgages nói riêng , đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, đến giới đầu tư, đến các ngân hàng, và sau cùng đến cả hệ thống tài chánh của Mỹ và, sau đó, lan qua Âu Châu. Một ảnh hưởng dây chuyền!
-
05-08-2010, 05:19 AM #5Guest
DERIVATIVES VÀ COMMODITIES FUTURES
Một khí cụ (instrument) khác trong thị trường tài chánh là Derivatives; một loại hợp đồng tài chánh giữa hai hay nhiều bên mà giá trị phát sinh của nó tùy thuộc vào sự biến động của một tích sản (asset) khác như chứng khoán, hàng hoá, bất động sản hay ngoại tệ, v.v…
Chẳng hạn một người, thay vì mua thẳng 100 cổ phiếu của hảng ABC với giá 50 dollar/share, có thể chọn trả trước 800 dollars, với hạn kỳ một tháng cho đại lý chứng khoán (brokers), để được quyền mua 100 cổ phiếu . Nếu trong thời hạn một tháng, cổ phiếu ABC tăng lên đến 75 dollars, người đó có quyền bán 100 cổ phiếu đó với giá mới 75 dollars, trả thêm cho brokers 4200 dollars, kiếm lời 1700 dollars. Ngược lại nếu trong hạn một tháng, cổ phiếu tụt giá xuống 25 dollars, người đó không phải mua 100 cổ phiếu, mà chỉ bị mất số tiền đã trả trước 800 dollars thôi.
Đó là một ví dụ về derivatives; một loại hợp đồng tài chánh giữa người mua cổ phiếu và brokers dựa trên sự lên xuống của cổ phiếu hảng ABC trong hạn kỳ một tháng. Đây là loại option derivatives, cho người mua cổ phiếu quyền mua 100 cổ phiếu nhưng không trách nhiệm phải mua ( no obligation to purchase) số cổ phiếu đó. Ý nghĩa, và cũng là ưu điểm, của derivatives trong ví dụ vừa nêu là tỉ số giữa vốn bỏ ra và lợi nhuận thu được. Thay vì phải bỏ ra 5000 dollars để mua 100 cổ phiếu, người mua trong ví dụ vừa nói chỉ bỏ ra 800 dollars, nhưng thu lời về 1700 dollars. Đó chính là điểm hấp dẩn của derivatives, trở thành phương tiện giúp giới đầu tư hạn chế mức rủi ro của mình.
Trong thực tế, derivatives rất đa dạng, những dạng thông thuờng là options, futures, warrants và convertible bonds. Ví dụ đưa ra ở trên thuộc về dạng options. Ngoài ra còn vô số những dạng khác biến thiên tuỳ theo từng ngân hàng đầu tư.
Một loại hình khác thông dụng trong thị trường tài chánh và mang tính chất của derivatives gọi là Commodities Futures; là những hợp đồng mua bán một sản phẩm hay dịch vụ nào đó được ký kết trong hiện tại dựa trên sự phỏng đoán (speculations) giá cả của sản phẩm hay dịch vụ đó, tại một thời điểm nào đó trong tương lai. Khi đến hạn kỳ, nếu giá cả của mặt hàng gia tăng, người bán mặt hàng đó được lợi; ngược lại nếu giá cả xuống thấp, thì người mua thu lợi. Trên thị trường quốc tế, những sản phẩm được mua bán nhiều nhất theo lối này là dầu hoả, vàng , ngủ cốc,v.v… Trong thời gian vừa qua, giá dầu thô đột ngột tăng cao phần nào cũng là do lối mua bán theo commodities futures này; người ta cho rằng sự phỏng đoán (speculation) đã đóng góp đến 60% vào việc tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế.
Trên thực tế việc giao dịch theo lối commodities futures này diễn ra như sau:
1.-Nước đang phát triển (originators) đồng ý bán sản phẩm tương lai của mình cho môt khách hàng qua trung gian của một cơ quan gọi là Special Purpose Vehicle (SPV) theo một giá thỏa thuận .
2.-SPV sẽ phát hành chứng khoán nợ cho nhà đầu tư( investors), và sau đó khi đến hạn, chuyển nguyên liệu cho khách hàng.
3.- Khách hàng sẽ trả tiền cho một cơ quan tài chánh uỳ nhiệm (trustee); cơ quan này sẽ trả lời và vốn lại cho nhà đầu tư (investors). Số còn thừa, nếu có, sẽ chuyển lại cho nước bán hàng (originator).
4.-Để giảm mức rủi ro, người ta thường đòi hỏi áp dụng nguyên tắc overcollateralization 5:1; nghĩa là nước đang phát triển chỉ được vay trước 1 dollar cho mỗi 5 dollars sản phầm tương lai.[iv]
Tất cả những hình thức giao dịch tài chánh trên đây đều bắt nguồn từ Derivatives mà ra.
Việc xử dụng Derivatives, từ lâu, đã gây ra nhiều lo ngại trong giới tài chánh; có người, như ông Warren Buffett đã gọi nó là “ Financial weapon of mass destruction”. Một tác giả nổi tiếng khác, Paul B. Farrell, trong một bài báo trên Marketwatch, lại gọi derivatives là “ ticking bomb” và ước tính rằng tổng trị giá trên giấy tờ (notional values) của derivatives lên đến 516 ngàn tỉ dollars !(Xin nhớ rằng tổng sản phẩm nội địa của Mỹ là gần 15 ngàn tỉ dollars)[v].
Derivatives là một loại chợ đen vượt ra ngoài mọi sự kiểm soát và điều tiết của chính quyền; là một khí cụ chế ra tiền nằm bên ngoài hệ thống ngân hàng thông thường. Đó là điểm nguy hiểm của Derivatives.
Nổi lo ngại này phát sinh từ tính chất quá phức tạp và khó kiểm soát của derivatives. Ngay từ năm 1998 dưới thời của cựu TT Bill Clinton, nhiều ngưòi trong chính phủ đã quan tâm đến việc kiểm soát thị trường derivatives. Bà Brooksley E.Born, người đứng đầu Uỷ Ban Mậu Dịch Commodity Futures(Commodity Futures Trading Commission), tại một cuộc họp của Nhóm Công Tác về Thị Trường Tài Chánh( President’s Working Group on Finanical Markets) của TT Phủ, có sự hiện diện của Alan Greenspan, chủ tịch Ngân Hàng Dự Trữ LB; Robert E. Rubin, Bộ trưởng Ngân Khố; và Arthur Levin Jr. Chủ tịch Uỷ ban Hối Đoái và Chứng Khoán ( Securities and Exchange Commission), đã cương quyết đòi hỏi phải đặt thị trường Derivatives dưới sự kiểm soát chặt chẻ. Bà Born đã vận động Quốc Hội ủng hộ cho đề nghị của Bà. Nhưng vì ba người kia : Greenspan, Rubin và Levin, lại vận động cho việc không kiểm soát Derivatives, và cuối cùng phe đa số này thắng, bà Born thua và sau đó lặng lẽ từ chức. Kể từ đó thị trường Derivatives được Alan Greenspan buông lỏng hoàn toàn, vì theo Ông, Derivatives là một phương cách tài chánh mới mẻ và hữu ích cho giới đầu tư, cần được để cho tự điều tiết (self-regulated) lấy tốt hơn là sự can thiệp của chính quyền.[vi]
CREDIT DEFAULT SWAPS.
(BẢO HIỂM CHỨNG KHOÁN)
Sau Derivatives, đến một khí cụ tài chánh khác cũng đóng góp phần quan trọng vào cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay; đó là CREDIT DEFAULT SWAPS. Đây là một loại bảo hiểm dành cho các chứng khoán (securities) hay trái phiếu (bonds).
Khi mua chứng khoán, cổ phiếu hay trái phiếu người ta chấp nhận hai rủi ro: rủi ro về lãi suất và rủi ro bị chạy làng (default risk). Rủi ro về lãi suất tăng hay giảm thì không ai bảo hiểm; nhưng còn rủi ro bị chạy làng thì có nhiều công ty tài chánh và ngân hàng đứng ra bảo hiểm và loại bảo hiểm đó có tên là CREDIT DEFAUTL SWAPS (CDS); có ý nghiã như là một sự đánh đổi (swapping) cho rủi ro mất tiền. Người có cổ phiếu hay trái phiếu trả cho công ty bảo hiểm một khoản tiền nhỏ hàng năm để bảo hiểm cho cổ phiếu hay trái phiếu mình đang có, nếu trong trường hợp chủ cổ phiếu bị khánh kiệt (bankcrupt) thì hảng bảo hiểm sẽ trả thay cho. Tuy nhiên, CDS lại là khí cụ tạo ra nhiều vấn đề tài chánh như sau:
Các Chủ đề tương tự
-
MTM đã ngừng hoạt động?
Bởi trong diễn đàn Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 3Bài viết cuối: 20-06-2016, 01:03 PM -
HU3: Lãi trước thuế cả năm 20.7 tỷ, vượt 22% kế hoạch điều chỉnh nhưng chỉ bằng 94% kế hoạch đầu năm
Bởi VuT23 trong diễn đàn Doanh nghiệp sàn HoSETrả lời: 0Bài viết cuối: 18-02-2014, 05:09 AM -
EU sửa đổi kế hoạch giải quyết khủng hoảng nợ
Bởi bestbanker0301 trong diễn đàn Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 1Bài viết cuối: 24-10-2011, 07:22 AM -
"Khủng hoảng nợ ở Eurozone có thể hủy hoại EU"
Bởi Mann trong diễn đàn Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 2Bài viết cuối: 15-09-2011, 07:55 AM -
Chưa hoạt động đã phá sản,
Bởi blogsechia1 trong diễn đàn M&ATrả lời: 4Bài viết cuối: 23-11-2008, 06:30 AM
Xe nâng người Boom Lift được chia làm 2 loại Xe nâng người boom lift được chia làm 2 loại là dạng khớp gập và dạng ống lồng Xe nâng người dạng Ống lồng – S Boom Lift Xe nâng người dạng Ống lồng –...
Loại Xe Nâng Người Phổ Biến Hiện...